Liên quan đến đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương.
Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 9 chỗ
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ dung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.
Cụ thể, tại thông báo kết luận tại cuộc họp về nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật nói trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, bổ sung về mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật, trong đó lưu ý phải đáp ứng, tương thích với các Luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư....
Đồng thời phải định hướng sản xuất và tiêu dùng, qua đó thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; đúng bản chất của sắc thuế, nhất quán, rõ ràng, công khai, minh bạch, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; phù hợp mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển...
Cụ thể, về thuế giá trị gia tăng, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem lại quy định không phải kê khai nộp thuế đối với mặt hàng nông sản ở khâu thương mại; rà soát kỹ thêm nhóm hàng hóa dịch vụ cần nâng lên 11-12% hoặc chuyển từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế giá trị gia tăng.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần rà soát, nghiên cứu các quy định hiện hành gắn với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội ban hành; quy định bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với trường hợp lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nghiên cứu để đảm bảo minh bạch, không ảnh hưởng tới thu ngân sách của địa phương.
Đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đa số bất động sản thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ xem việc bù trừ có làm mất tài sản của nhà nước không? Phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với bản chất theo hướng tập trung; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp gắn với thực tiễn và lĩnh vực ưu tiên.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các nội dụng đề xuất của Bộ Tài chính về thuế thu nhập cá nhân.
Về thuế tài nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương.
Trước đó, đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, lãnh đạo Bộ Tài chính đã đề xuất các phương án đánh giá và áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với xe ô tô bán tải (pick-up). Theo đó, mức thuế tăng cao nhất bằng 60% mức thuế áp dụng với xe con cùng dung tích động cơ. “Loại này chủ yếu có dung tích từ 2.000 đến 3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Về lý do tăng thuế, theo Bộ Tài chính, là do mức tiêu thụ dòng xe này đang tăng cao. Theo thống kê năm 2010, lượng tiêu thụ xe bán tải chiếm 18,6% tổng lượng tiêu thụ xe bán tải và SUB. Đến năm 2016, lượng tiêu thụ đã tăng lên chiếm 41,9%. Do đó, cần tăng thuế để định hướng tiêu dùng, phù hợp thông lệ quốc tế và phù hợp mục đích sử dụng của dòng xe này.
Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xe bán tải đang ở mức 15% nếu dung tích xi lanh dưới 2.500 cm3, 20% nếu dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, 25% nếu dung tích xi lanh trên 3.000 cm3.
Bên cạnh việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đăc biệt với xe bán tải nhập khẩu, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án ưu đãi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe ô tô sản xuất trong nước.
Theo đó, Bộ này đề xuất giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Theo đại diện Bộ Tài chính, việc thực hiện chính sách này có nguy cơ vi phạm cam kết của WTO. Do vậy, cũng cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng. Nhiều nước đã áp dụng, nhưng mức độ có bị kiện hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
N. Mạnh
Theo BizLIVE