Theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động, thương binh và xã hội vào năm 2009, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỉ. Và số lượng trẻ vẫn có xu hướng tăng lên, theo ước tính của các chuyên gia vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 1 triệu trẻ tự kỉ và 8 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đặt ra bài toán về vấn đề can thiệp hiệu quả cho các bé mắc các hội chứng tự kỷ nói riêng và nhóm các trẻ mắc rối loạn phát triển nói chung.
Phương pháp can thiệp, trị liệu - mạnh ai nấy làm?
Chị L.A đang sinh sống và làm việc tại Quận Long Biên (Hà Nội) băn khoăn, lo lắng khi trao đổi rằng: Con nhà chị năm nay được 3 tuổi, hiện bé chưa có ngôn ngữ. Thời gian đầu cứ nghĩ 2 tuổi chưa biết nói, thì 3 tuổi bé sẽ biết nói thôi, chậm nói do gen rồi, bố nó ngày xưa cũng chậm. Tuy nhiên khi đến hơn 3 tuổi, bé vẫn chưa biết nói và ngày càng có nhiều biểu hiện khác thường so với các bạn khác như đi nhón chân, hay ngồi một chỗ và nhìn tay, đung đưa đi đung đưa lại bàn tay, nhìn nghiêng, nhiều đêm bé mất ngủ và chạy ra ngoài khiến gia đình rất lo lắng. Sau khi cho bé đi khám tại bệnh viện và được kết luận bé mắc hội chứng tự kỷ, gia đình suy sụp và không biết phải làm sao. Trong khi thời gian trước mình đang nghĩ chỉ là “chậm nói do ngày xưa cha mẹ cũng biết nói chậm” thôi nên không lo và đi can thiệp sớm cho bé.
Cùng cảnh ngộ với chị L.A, một phụ huynh tại Hà Tĩnh cũng có những chia sẻ. Khi bé được 24 tháng và chưa thấy con nói từ gì, chỉ suốt ngày thích xem tivi, điện thoại. Gia đình tưởng đó là sở thích của con nên vẫn thường xuyên cho con xem và nghe nhạc. Nhưng sau đó cho bé đi khám tâm lý và được kết luận là bé bị chậm nói. Bố mẹ định cho bé đi học ở một trung tâm chuyên biệt, nhưng ông bà can ngăn và dùng các “thuật” để chữa cho cháu như xin cơm, xin áo, “cướp bánh” ở chợ để cho bé ăn. Nhưng không hiệu quả. Gia đình rất lo lắng và tìm kiếm những phương pháp khác để dạy nói cho con.
Anh Nguyễn Văn Trung, một giáo viên từng có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy trẻ rối loạn phát triển cho rằng: Đến nay tôi đã từng can thiệp cho rất nhiều bé mắc các hội chứng như rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ… Khi tôi thực hiện các hoạt động tham vấn phụ huynh, rất nhiều phụ huynh lựa chọn các phương pháp khác nhau để can thiệp cho con như các biện pháp dân gian, các biện pháp như chạy oxi cao áp, châm cứu cho đến các hoạt động can thiệp tâm lý với tâm lý chung là “có bệnh thì vái tứ phương”.
Ông Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm Ngày Mới (Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam) cho biết: Trung tâm tiếp nhận đánh giá tâm lý và can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển, thường xuyên nhận được những chia sẻ từ phụ huynh trẻ về việc gia đình tự tìm kiếm điều chỉnh và thay đổi các phương pháp can thiệp khác nhau cho bé. Có những bé thường xuyên luân chuyển từ phương pháp can thiệp bằng tâm lý, giáo dục đến các phương pháp Y - Sinh như chạy Oxi cao áp, cấy tế bào gốc, các phương pháp châm cứu, bấm huyệt… và các phương pháp dân gian như dùng các “thuật”, các “mẹo” để điều trị cho con. Tuy nhiên sự tiến bộ của bé vẫn còn phụ thuộc vào yếu tố khác nhau, chưa có phương pháp nào là “số một” ở trong lĩnh vực này.
Song song với đó là việc nhận thức của phụ huynh về trẻ rối loạn phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều luồng thông tin khác nhau, như một ma trận thông tin, khiến phụ huynh khó chọn lọc và nhận biết hiệu quả đâu là đặc điểm phát triển của con mình, đâu là những hạn chế, khó khăn khiến con cần được can thiệp, trị liệu tận gốc bằng các phương pháp khoa học đã được kiểm chứng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh trẻ.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia nhận định rằng, việc thống nhất những phương pháp can thiệp, trị liệu cho trẻ rối loạn phát triển là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó các nhà khoa học, nhà thực hành can thiệp trị liệu cần ngồi lại với nhau để có những thống nhất các cơ sở lý luận và thực tiễn về các phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học, việc xây dựng và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển nhằm tạo niềm tin từ phụ huynh và sự phát triển của trẻ. Mặt khác việc phối hợp liên ngành như giáo dục và đào tạo, các cơ sở y tế, và các bác sĩ, chuyên gia trị liệu tâm lý, trị liệu Nhi khoa trong việc phát hiện sớm, đánh giá đúng tình trạng của trẻ. Từ đó đề xuất những phương pháp can thiệp thống nhất, có hiệu quả với trẻ đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Việc xây dựng những bộ quy tắc về các hoạt động chẩn đoán, đánh giá tâm lý cho trẻ được phối hợp với nhiều chuyên gia như Bác sĩ Nhi khoa, bác sĩ Tâm lý trị liệu cho đến các quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực can thiệp trẻ rối loạn phát triển. Từ đó việc nâng cao nhận thức cho phụ huynh và giúp phụ huynh tìm kiếm được những phương pháp can thiệp rối loạn phát triển dựa trên những bằng chứng khoa học đã được minh chứng đóng vai trò quan trọng.
Cần định hướng dựa trên các chứng khoa học
Trước thực tế về việc hiện nay, rất nhiều ý kiến và thông tin về can thiệp cho trẻ rối loạn phát triển bằng những phương pháp khác nhau. Vậy đâu là phương pháp can thiệp trẻ rối loạn phát triển có hiệu quả, có bằng chứng khoa học và mang lại những kết quả tối ưu?
Tiến sĩ Trần Văn Công (Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những lý giải về can thiệp sớm trẻ rối loạn phát triển: Tại sao cần can thiệp sớm? Các mạch thần kinh – tạo nền tảng cho học tập, hành vi và sức khoẻ rất linh hoạt hay “dẻo dai” trong ba năm đầu đời. Theo thời gian, chúng sẽ càng trở nên khó để thay đổi. Bộ não được củng cố nhờ vào những trải nghiệm tích cực ban đầu, đặc biệt là mối quan hệ ổn định với những người lớn quan tâm và đáp ứng, môi trường an toàn và hỗ trợ, dinh dưỡng phù hợp. Việc can thiệp sớm tích cực, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ và đúng cách sẽ có thể thay đổi quỹ đạo phát triển của trẻ và cải thiện các kết quả đầu ra cho trẻ, gia đình và cộng đồng. Cuối cùng, can thiệp sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn khi nó được cung cấp sớm hơn là muộn (Center on the Developing Child at Harvard University, 2008, 2010). Vì thế việc phát hiện sớm và can thiệp sớm đóng vai trò thiết yếu đối với trẻ. Vấn đề là can thiệp như thế nào và tìm đâu được những phương pháp cho bằng chứng khoa học?
Từ đó, chuyên gia Trần Văn Công khuyên các phụ huynh cần tìm đến các phương pháp can thiệp có thực chứng. Các can thiệp dựa trên thực chứng (Evidence-based interventions – EBIs) là các điều trị được chứng minh có hiệu quả nhất định thông qua các đánh giá đầu ra (Riley-Tillman). Hay nói cách khác, can thiệp dựa trên thực chứng là các can thiệp có bằng chứng khoa học nhất quán cho thấy rằng chúng cải thiện kết quả của khách hàng (Drake và cộng sự, 2001).
Một số các chương trình, mô hình can thiệp sớm dựa trên thực chứng hiện nay bao gồm: JASPER, ESDM, DTT, PRT, v.v. Toàn bộ các can thiệp này đều đã được chứng minh đem lại hiệu quả can thiệp cho trẻ có rối loạn phổ tự kỷ và trễ phát triển thông qua một loạt các nghiên cứu thử nghiệm và được đánh giá nghiêm ngặt về chất lượng nghiên cứu cũng như nội dung của chương trình.
Ví dụ, JASPER (Chú ý chung, Chơi biểu tượng, Sự tương tác và Sự điều chỉnh) là phương pháp tiếp cận sự phát triển cho trẻ từ 12 tháng đến 8 tuổi. Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để kiểm tra hiệu quả của JASPER trong việc cải thiện khả năng chú ý chung, vui chơi, ngôn ngữ của trẻ tự kỷ bằng cách can thiệp trực tiếp vào trẻ hoặc can thiệp qua trung gian của giáo viên và người chăm sóc. Nhìn chung, hầu hết các nghiên cứu của JASPER cho thấy trẻ được can thiệp bằng JASPER cho thấy sự cải thiện đáng kể về ít nhất một kết quả liên quan đến sự chú ý chung, sự tham gia chung, kỹ năng chơi và kỹ năng ngôn ngữ so với trẻ không được can thiệp bằng JASPER (Kasari et al., 2006, 2008, 2010; Chang et al, 2016).
Hay với ESDM, trong đánh giá có hệ thống của Waddington và cộng sự, năm 2016 về hiệu quả của ESDM trong 15 nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các nghiên cứu đều báo cáo kết quả tích cực của trẻ em, cha mẹ và bác sĩ trị liệu (Ryberg, 2015).
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho rằng: Theo một nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc rối loạn tinh thần chiếm 8% ở trẻ em và 29% ở tuổi vị thành niên, trong đó rối loạn tăng động giảm chú ý 14%; rối loạn cảm xúc 11,5%; rối loạn ứng xử chiếm hơn 9%. Để can thiệp các trường hợp rối loạn tinh thần này, cần phải có phương pháp khoa học do các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý can thiệp trị liệu thực hiện. Trong nhiều trường hợp, cần phải phối hợp các phương pháp can thiệp trị liệu tâm lý với can thiệp của các khoa học khác như can thiệp Y học v.v…
GS Phú cho rằng trẻ bị Rối loạn phát triển, nhất thiết phải có sự can thiệp của các nhà trị liệu can thiệp bằng các phương pháp khoa học mới hy vọng giải quyết được căn nguyên của vấn đề với các triệu chứng khác nhau về tâm lý phát triển.
Không chỉ vậy, việc cần có những định hướng về thông tin khoa học một cách đầy đủ và phổ biến với cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức với mọi người là điều cần thiết. Chính vì vậy, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, ngày 19 tháng 12 tới đây tổ chức Hội thảo Quốc tế về Rối loạn phát triển lần thứ 3, quy tụ nhiều chuyên gia về lĩnh vực tâm lý trị liệu trong nước cũng như nước ngoài. Với mong muốn phổ biến, định hướng nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ trẻ rối loạn phát triển nhằm tìm kiếm được những phương pháp can thiệp dựa trên bằng chứng khoa học.
Theo GS. TS Nguyễn Ngọc Phú (Trưởng ban tổ chức Hội thảo) tổng hợp: Hội thảo lần này đã có 43 báo cáo khoa học của các nhà khoa học trong nước và thế giới tham dự, trong đó có 3 báo cáo là các tác giả đến từ Hoa Kỳ. Tôi đã đọc và thấy rằng các báo cáo khoa học có chất lượng tốt với các phương pháp khoa học nêu ra có bằng chứng thuyết phục. Đây thực sự là một Hội thảo khoa học có chất lượng chuyên môn cao. Các báo cáo khoa học đã dược in trong Kỷ yếu Tuyển tập công trình Hội thảo quốc gia mang tên “Can thiệp rối loạn phát triển dựa trên bằng chứng khoa học”, NXB Đại học Quốc gia ấn hành. Các nội dung đưa ra trong thảo luận tại Hội thảo lần này đã đề cập đến những vấn đề quan trọng cấp thiết của hoạt động can thiệp RLPT hiện nay.
Đặc biệt Hội thảo được tổ chức theo hình thức Miễn phí thông qua nền tảng trực tuyến Zoom. Đây sẽ là cơ hội để phổ biến rộng rãi hơn các thông tin khoa học nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các cha mẹ có trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Thanh Thanh
Theo KTĐU