Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng cần quy định hệ số K phù hợp để người dân có khả năng nộp các khoản tiền khi lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng cần quy định hệ số K phù hợp để người dân có khả năng nộp các khoản tiền khi lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ảnh minh họa: TTXVN
Hệ số K được quy định tại Thông tư số 93 của Bộ Tài chính, là hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định để tính thu tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, đối với phần diện tích vượt hạn mức đất ở và khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Lý giải thực tế có nhiều hộ dân ở Thành phố Hồ Chí Minh không nhận hoặc trả lại giấy chứng nhận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Hiện nay hệ số K ở Thành phố Hồ Chí Minh tương đối cao, từ 2 - 4,5 lần so với giá quy định, dẫn đến số tiền sử dụng đất phải nộp quá nhiều, trong khi điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình có đất cần cấp giấy chứng nhận còn khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần vận dụng Thông tư số 93 của Bộ Tài chính cho phù hợp. Hiện nay, để giải quyết kịp thời vướng mắc của dân, Thành phố Hồ Chí Minh đang có hướng điều chỉnh hệ số K xuống 1,3-2 lần.
Liên quan đến quy định khi nhận giấy chứng nhận người dân được chậm nộp tiền sử dụng đất, nhưng lãi suất lại quá cao, tới 18%/năm, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Theo Luật Quản lý thuế là khi cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất nhưng nếu chậm nộp so với thời hạn quy định thì phải nộp phạt với lãi suất 18%/năm tính trên tổng số tiền phải nộp.
Tuy vậy, tại Nghị định số 120/2010, Nhà nước cũng có quy định là nếu người dân chưa có đủ khả năng nộp tiền thì được ghi nợ vào giấy chứng nhận mà không phải chịu tiền chậm nộp. Số ghi nợ nếu được thanh toán trong vòng 5 năm thì người dân chỉ nộp tiền theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Có thể do một số địa phương chưa triển khai thực hiện quy định về ghi nợ hoặc người dân chưa hiểu rõ quy định nên đã không làm thủ tục ghi nợ.
Bởi vậy, các địa phương cần phổ biến để người dân hiểu rõ chính sách này. Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp giấy chứng nhận phải có giải thích, hướng dẫn cụ thể để người dân biết và làm đơn xin ghi nợ nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, nếu người dân có khả năng về tài chính thì tốt nhất là không nên ghi nợ, nếu ghi nợ thì cũng nên nộp trong thời gian 5 năm vì sau 5 năm phải nộp theo giá tại thời điểm nộp.
Trả lời về việc thiếu kinh phí dẫn đến một số địa phương khó thực hiện mục tiêu hoàn thành cấp giấy chứng nhận, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề trong khi kinh phí dành cho việc cấp giấy chứng nhận lại rất eo hẹp, nhất là trong những năm gần đây nguồn thu từ đất của các địa phương rất ít, đặc biệt là các tỉnh trung du, miền núi. Chính phủ đã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận, cụ thể năm 2012 hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho 42 tỉnh, một số địa phương có điều kiện, cũng đã bố trí ngân sách cho công tác này.
Năm 2013 và những năm tiếp theo, mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tùy theo tình hình thực tế, cần dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho những tỉnh mà hiện nay tỷ lệ cấp giấy chứng nhận còn quá thấp, nhất là các tỉnh trung du, miền núi.
Minh Nguyệt
theo TTXVN