Không lập thiết kế sơ bộ, không lập kế hoạch đấu thầu, người quản lý giám sát không đủ trình độ, vật liệu không đúng chuẩn, chậm tiến độ cả chục năm,... Không hiểu SGC làm Dự án Cái Mép bằng cách nào?
Dự án KCN Cái Mép
"Đi tắt" nhiều bước
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán 2 dự án của Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC), đó là Dự án chung cư cao tầng số 46/11 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh và Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Mép. Cả hai dự án xây dựng cơ bản này của SGC đều có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước tại SGC cho thấy, Tổng công ty này không lập thiết kế sơ bộ theo quy định của Chính phủ, không tính toán xác định chỉ tiêu về thời gian thu hồi vốn đầu tư và đồng thời cũng không nêu phương án huy động hai dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi ngay cả việc xác định tổng mức đầu tư ban đầu cũng thiếu chi phí lãi vay.
Đáng chú ý, SGC trong quá trình thực hiện dự án đã không thực hiện công tác lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Dự toán lập trên cơ sở báo giá cát san lấp của một nhà cung cấp nên chưa phản ánh được giá thị trường tại thời điểm lập dự án. Dự toán chi phí bơm cát theo báo giá của nhà cung cấp san lấp mà không thực hiện việc khảo sát, xác định cự ly bơm cát từ sà lan lên các ô san lấp làm cơ sở xác định chi phí bơm.
SGC áp dụng định mức sử dụng ván khuôn bằng gỗ cho công tác bê tông mà không áp dụng ván khuôn ván ép công nghiệp có khung xương, cột chồng bằng hệ giáo ống theo quyết định của thành phố để giảm chi phí đầu tư. Trong khi áp dụng đơn giá vật tư, vật liệu xây dựng chưa phù hợp, không áp dụng đơn giá sản phẩm bê tông đúc sẵn đã có trong công bố giá (cọc bê tông cốt thép) hàng tháng của Sở xây dựng thành phố.
SGC cũng làm tăng giá trị dự án công tác lập thẩm định phê duyệt dự án lên gần 7 tỷ đồng. Trong đó, dự toán một số gói thầu sai đơn giá, định mức làm tăng dự toán dẫn đến giá trúng thầu được phê duyệt cao hơn dự toán tính đúng khoảng 2,4 tỷ đồng.
Riêng về công tác đấu thầu, SGC không lập phê duyệt kế hoạch đấu thầu bổ sung, không tổ chức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu. Áp dụng hình thức chỉ định thầu và chào hàng cạnh tranh một số gói thầu không thuộc hạn mức chỉ định thầu. Nội dung ký hợp đồng cũng không phù hợp, chưa ký phụ lục đối với khối lượng phát sinh làm cơ sở để thanh toán quyết toán.
SGC cũng không điều chỉnh dự toán đã phê duyệt theo quy định mới trước khi ký kết hợp đồng sai quy định làm tăng giá trị hợp đồng 3,1 tỷ đồng.
SGC tự đẩy chi phí, bỏ dự án chậm 10 năm
Đến thời điểm kiểm toán tức cuối năm 2017, Dự án Cái Mép chậm tiến độ 10 năm so với tiến độ điều chỉnh, Dự án chung cư ở đường Nguyễn Cửu Vân cũng chậm tiến độ 21 tháng. Lý do chậm là bởi thời gian tiến hành các thủ tục xử lý chồng lấn ranh giới quy hoạch giữa dự án với khu cảng Cái Mép. Các thủ tục thu hồi, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, do công tác quản lý thực hiện dự án còn để xảy ra nhiều sai sót phải tạm dừng thi công hai năm (2011 - 2013) để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Dự án Nguyễn Cửu Vân phải dừng thi công để xử lý sự cố gây lún nhà dân và thanh lý hợp đồng với các đơn vị thi công thiết kế nhiều lần.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh về chất lượng công trình tại Dự án Cái Mép khi mà Tổng công ty bố trí cán bộ khảo sát không có chuyên môn. Trong khi đó, một số hồ sơ quản lý chất lượng không đầy đủ như hồ sơ thí nghiệm vật liệu tại mỏ khai thác, kết quả thí nghiệm xác định hệ số nở rời của đất, hồ sơ quan trắc lún,...
Tại Dự án Nguyễn Cửu Vân, Chủ đầu tư không lập quy chế quản lý dự án theo quy định của Sở về phê duyệt dự án đầu tư. Thiếu nhật ký thi công xây dựng công trình. Năng lực đơn vị giám sát, đơn vị thi công và công tác quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế, để xảy ra sự cố đổ dàn và đối trọng ép cọc. Quá trình thi công công trình ảnh hưởng đến các công trình lân cận, phát sinh khiếu nại.
Theo tính toán, chi phí đầu tư tại Dự án Nguyễn Cửu Vân số báo báo của SGC chênh cao hơn 2,6 tỷ đồng so với số liệu kiểm toán công bố. Dự án Khu công nghiệp Cái Mép tăng 20,5 tỷ đồng so với số kiểm toán công bố. Như vậy, chi phí SGC báo cáo cao hơn 23 tỷ đồng so với thực tế.
Với hai dự án trên, Kiểm toán Nhà nươc đề nghị SGC xử lý tài chính với số tiền 23,16 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi phí đầu tư 10,3 tỷ đồng, giảm thanh toán Dự án Cái Mép 1,85 tỷ đồng. Xử lý khác 11 tỷ đồng, trong đó Dự án Cái Mép là 9,3 tỷ đồng.
Dự án đầu tư Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích 670 ha. Thời gian hoạt động đến năm 2052.
Mục tiêu dự án: Đầu tư Xây dựng & Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, bao gồm: hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp điện, hệ thống cấp và thoát nước; hệ thống xử lý nước thải; hệ thống thông tin liên lạc,… và kinh doanh các kết cấu hạ tầng tạo ra.
Nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Khu công nghiệp Cái Mép được giới thiệu là địa điểm lý tưởng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tìm cơ hội đầu tư hấp dẫn. TheoSGC, KCN Cái Mép đã có 8 nhà đầu tư với diện tích hơn 150ha, với các dự án: Nhà máy xay xát bột mỳ Interflour Việt Nam (28,1 ha), nhà máy khí hoá lỏng LPG và dự án Condensate (40,8ha).
Sự quan tâm ưu tiên mà các nhà đầu tư sẽ dành cho KCN Cái Mép là vị trí địa lý đặc biệt của KCN với một môi trường đầu tư thuận lợi và hiệu quả, chỉ cách TP.HCM 70km và TP. Vũng Tàu 40km. Nối kết với các tuyến đường huyết mạch quốc gia, cùng các hệ thống cảng biển nước sâu ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai, là cửa ngõ thông thương với các tỉnh ven biển trong nước...
Đặc biệt, khu vực Tây Nam KCN Cái Mép giáp sông Cái Mép và sông Thị vải nối liền với biển Đông Thái Bình Dương. Do vậy,KCN Cái Mép gắn liền với hệ thống cảng nước sâu quốc gia, có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 80.000 DWT… Đây là nơi đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu lưu thông hàng hoá, là những yếu tố mà các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Cách Quốc lộ 51 khoảng 3km với hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh và mạng lưới dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp, KCN Cái Mép có thể tiếp nhận nhiều dự án đầu tư khác nhau trong mọi lĩnh vực: các ngành công nghiệp nặng cần có cảng chuyên dụng như xăng dầu, khí đốt, hóa chất, luyện kim; công nghiệp nhẹ, cơ khí chế tạo, sữa chữa tàu thuyền, chế biến nông sản và thực phẩm, cảng, kho cảng.
|
Theo reatimes