Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM; Ban Quản lý an toàn thực phẩm: TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh thông báo về thủ đoạn giả danh các Đoàn thanh tra, kiểm tra.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm cho biết, hiện nay, có tình trạng giả mạo văn bản của Sở Y tế (như Thông báo, Quyết định về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát) với nội dung sẽ tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để từ đó yêu cầu các chủ cơ sở nếu muốn không bị kiểm tra thì chuyển tiền để không bị kiểm tra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo sử dụng số điện thoại giả danh là lãnh đạo Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế hoặc Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm gọi điện đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý yêu cầu đại diện cơ sở có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm việc với Đoàn thanh tra, kiểm tra; cho số điện thoại để cơ sở liên lạc.
Các đối tượng này lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước để cắt ghép và gửi cho chủ cơ sở.
Đây là thủ đoạn lợi dụng cơ quan chức năng nhằm gây tâm lý hoang mang, lo sợ để từ đó yêu cầu các chủ cơ sở nếu muốn không bị kiểm tra thì chuyển tiền để không bị kiểm tra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn số 2560/ATTP- PCTTR gửi Sở Y tế trên cả nước, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh và TP Đà Nẵng chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý về an toàn thực phẩm của tỉnh, huyện/thị xã/thành phố thông tin đến cán bộ, nhân viên, các cơ quan truyền thông của tỉnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn biết được thủ đoạn nêu trên.
Trường hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh phát hiện các văn bản nghi ngờ giả mạo (văn bản thường sai về thể thức, nội dung yêu cầu thanh tra, kiểm tra, hoặc văn bản cắt ghép, hoặc không đúng chức danh của người kí văn bản, chữ kí giả mạo... ) thì thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, Thanh tra Sở y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất.
Sở Y tế các địa phương phối hợp với cơ quan Công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với các tỉnh ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), Cục An toàn thực phẩm đề nghị thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ trong đó có nội dung yêu cầu tạm ngưng các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng
Mua hàng online bùng nổ và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều người mua hàng lại không nhớ rõ mình đặt mua những gì vì… mua quá nhiều. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo người tiêu dùng.
Với thủ đoạn lừa đảo tinh vi, thời gian qua đã có không ít người “sập bẫy” shipper giả mất hàng chục triệu đồng, thậm chí có người còn bị nhóm đối tượng dẫn dắt truy cập vào đường link và làm theo hướng dẫn, sau đó hack sạch tiền trong tài khoản.
Theo ghi nhận của các đơn vị Công an, thời gian vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra các vụ việc giả giao hàng để lừa đảo. các đối tượng này sẽ tham gia theo dõi các buổi livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm; sau đó lấy thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream hoặc lợi dụng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân gia tăng để tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng.
Sau khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng sẽ gọi điện thoại cho khách hàng, xưng là nhân viên giao hàng (giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh…) của đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt ở nơi giao hàng để gọi điện. Nếu khách hàng cho biết không có mặt để nhận hàng, đối tượng sẽ nói để hàng và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.
Bên cạnh đó, đối tượng thường tạo áp lực, thậm chí là thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân. Nhận được tiền, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao. Còn nếu hàng giá trị thấp, đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng và nhập mã OTP để thực hiện giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo người dân về thủ đoạn giả giao hàng để lừa đảo này. Các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho người dân tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo có đơn cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán COD- hình thức thanh toán khi nhận hàng. Sau khi người dùng chuyển khoản thành công, đối tượng sẽ thông báo do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ hơn 3 triệu đồng từ tài khoản.
Tiến Hoàng/KTDU