Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, gần đây nhận được phản ánh và đề nghị cung cấp thông tin của một số người tiêu dùng về hợp đồng giao dịch liên quan đến căn hộ chung cư.
Theo đó, người tiêu dùng phản ánh hai bên ký kết một số loại hợp đồng có tên gọi như “Hợp đồng mua bán quyền căn hộ”, “Hợp đồng chuyển nhượng tài sản”, trong đó đối tượng mua bán là dạng hợp đồng căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ (chứ không phải quyền sở hữu).
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, trong các hợp đồng này đều không căn cứ vào Luật Nhà ở, văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng hay hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đối với nghĩa vụ tài chính của bên bán trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ và thời hạn sử dụng các loại căn hộ này ghi trong hợp đồng là 50 năm.
Ngoài ra, đối với dạng hợp đồng mua bán quyền căn hộ, trong hợp đồng chỉ đề cập đến các quyền sử dụng của người mua như quyền sử dụng căn hộ, quyền sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung... mà không đề cập tới quyền sở hữu cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người mua trước khi tiến hành các giao dịch liên quan đến căn hộ cần kiểm tra những thông tin cơ bản trong hợp đồng được bên bán cung cấp để xác định chính xác đối tượng mà mình muốn mua.
Lấy ví dụ với việc mua bán căn hộ chung cư, Cục cho biết, trong hợp đồng sẽ quy định:
Thứ nhất là đối tượng mua bán của hợp đồng là "căn hộ chung cư".
Thứ hai, các căn cứ quan trọng xác lập hợp đồng là: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; văn bản bảo lãnh của ngân hàng về việc bảo lãnh nghĩa vụ của chủ đầu tư liên quan đến việc chậm bàn giao căn hộ; thông báo của Sở Xây dựng thành phố về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai hoặc biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ ba là mục đích sử dụng căn hộ: Để ở
Thứ tư là bên mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Theo cơ quan này, nếu hợp đồng có những quy định gây khó hiểu hoặc lạ lẫm như "căn hộ du lịch", "căn hộ khách sạn", "hợp đồng mua bán quyền tài sản", "hợp đồng chuyển nhượng tài sản", "dự án không hình thành đơn vị ở"..., người mua cần yêu cầu người bán giải thích, cung cấp cơ sở pháp lý, đồng thời tự tìm hiểu thêm thông tin.
Cục cũng khuyến cáo người mua xác minh thông tin về bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua.
Thứ nhất, khách hàng tra cứu thông tin về hợp đồng được thông qua của chủ đầu tư (nếu có) trên trang thông tin điện tử của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương nơi có dự án hoặc liên hệ trực tiếp để biết thêm thông tin chi tiết.
Thứ hai, khách hàng tiến hành đối chiếu bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua (nếu có) với bản được chủ đầu tư cung cấp.
"Người dân lưu ý chỉ đặt cọc, ký kết bất kỳ giấy tờ gì hoặc hợp đồng mua bán với bên bán một khi đã hiểu rõ về đối tượng giao dịch và đã nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.
Huy Đức
Theo KTDU