Với 43 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cao su Đồng Phú sẽ chi tương ứng 86 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào ngày 30/11
CTCP Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán DPR - sàn HOSE) mới đây đã thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án chi trả cổ tức năm 2021.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ lên phương án chi trả nốt phần cổ tức còn lại trong năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 2.000 đồng. Thời gian chốt danh sách vào ngày 21/11.
Với 43 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cao su Đồng Phú sẽ chi tương ứng 86 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Thời gian thanh toán vào ngày 30/11. Trước đó, vào cuối năm 2021, Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền, tỷ lệ 15%.
Vừa qua, doanh nghiệp đã thông qua Nghị quyết HĐQT về kết quả kinh doanh tháng 10/2022 với sản lượng cao su khai thác đạt 8.496,21 tấn, đạt 95% kế hoạch. Với tiến độ này, Cao su Đồng Phú ước tính sẽ vượt 15% đến 20% kế hoạch khi kết thúc năm. Sản lượng chế biến đạt 10.840 tấn, hoàn thành 90% kế hoạch.
Đặc biệt, về mức lợi nhuận trong tháng đạt 191 tỷ đồng, mới thực hiện được 59% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Theo Bộ Công thương, ước tính trong tháng 9 xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 210.000 tấn, trị giá 305 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm hơn 8% về trị giá so với tháng 8. Tuy nhiên so với tháng 9/2021 vẫn tăng 16% về lượng và tăng 2% về trị giá. Lũy kế tính đến hết tháng 9 của năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 1,41 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy xuất khẩu tăng cả về lượng và giá, báo cáo kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp cao su lại ghi nhận lãi gộp và lãi ròng đi xuống. Giải trình về xu hướng này, các doanh nghiệp cao su đều nhận định tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng giảm đã tác động đến kết quả kinh doanh; trong khi đó, hàng loạt chi phí đồng loạt tăng mạnh làm lợi nhuận gộp giảm.
Bên cạnh đó, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), Latex, SVR 3L, SVR 10, RSS3, SVR CV60… Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 56,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, SVR20, Latex, Skim block, SVR10, cao su tái sinh, RSS3, SVR3L…
Giá hợp đồng tương lai cao su tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), loại hợp đồng 5 tấn, từ đỉnh 1,35 triệu yên/hợp đồng tại phiên 24/06 đã giảm liên tiếp trước khi tạo đáy vào phiên 16/09 ở mức gần 1,1 triệu yên/hợp đồng, tương đương giảm hơn 20% từ đỉnh. Giá hợp đồng tương lai cao su hiện đang có dấu hiệu phục hồi khi về lại mức 1.12 triệu yên/hợp đồng trong phiên 26/10.
Hà Quyên
Theo KTDU