Nếu được thông qua, dự án mở rộng KCN Bắc Đồng Phú sẽ đi vào cho thuê trong năm 2023 trong khi dự án KCN Nam Đồng Phú dự kiến bắt đầu cho thuê năm 2026. CTCP KCN Bắc Đồng Phú, công ty con DPR sở hữu 51%, dự kiến sẽ quản lý các dự án này
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên thế giới 2021 thực tế đạt khoảng 13.86 triệu tấn so với nhu cầu 14.1 triệu tấn. ANRPC cũng dự báo mức tiêu thụ toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 4-5% so với năm 2021 do mùa mưa kéo dài tại các nước châu Á – nơi trồng cao su chính trên thế giới.
Dự báo của Expert Market Research, nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng trưởng kép 4.8% trong giai đoạn 2021-2026 và với giả định nguồn cung tăng trưởng trung bình 3%/năm, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhìn nhận chênh lệch cung – cầu cao su tự nhiên ngày càng được kéo dãn trong giai đoạn tới.
Đơn vị phân tích cho rằng, điều này sẽ là một hỗ trợ tích cực cho giá bán cao su tự nhiên nói chung và giá bán cao su tự nhiên của DPR nói riêng. Mặt khác, với diễn biến tăng giá liên tục của giá dầu hiện nay, sẽ ảnh hưởng tới giá các loại hàng hoá, nguyên vật liệu khác. Giá dầu và giá cao su tổng hợp có quan hệ mật thiết vì cùng có nguồn gốc từ các sản phẩm dầu mỏ. Bên cạnh đó, cao su tổng hợp và cao su tự nhiên có mức độ thay thế nhất định. Vì thế, khi giá cao su tổng hợp tăng sẽ tác động tới giá của cao su tự nhiên.
Với các yếu tố trên, KBSV dự phóng sản lượng cao su của DPR sẽ chỉ tăng nhẹ dù thị trường cao su tự nhiên đang được hưởng lợi do doanh nghiệp sẽ bàn giao 2,000 ha đất trồng cao su để chuyển đổi KCN cho tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2021-2030. Đơn vị phân tích ước tính sản lượng cao su của công ty mẹ sẽ giảm từ 400-700 tấn/năm do bàn giao đất. Tuy nhiên, vườn cây Kratie tại Campuchia đã bắt đầu vào thời kì cho năng suất thu hoạch mủ cao cao nhất, dự kiến sẽ giúp bù đắp cho phần sản lượng sụt giảm.
Mở rộng các KCN- động lực tăng trưởng
Trong Q2/2020, DPR đã được Chính phủ chấp thuận về việc mở rộng các dự án KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú. Dự án mở rộng KCN Bắc Đồng Phú có diện tích 317ha trong khi mở rộng KCN Nam Đồng Phú là 480ha so với quy mô hiện hữu 189.1 ha của KCN Bắc Đồng Phú và 69.4 của KCN Nam Đồng Phú.
Các dự án này vẫn đang đợi UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt, KBSV trao đổi với doanh nghiệp được biết, kì vọng DPR sẽ nhận được quyết định chủ đầu tư vào nửa đầu năm 2022. Nếu được thông qua, dự án mở rộng KCN Bắc Đồng Phú sẽ đi vào cho thuê trong năm 2023 trong khi dự án KCN Nam Đồng Phú dự kiến bắt đầu cho thuê năm 2026. CTCP KCN Bắc Đồng Phú, công ty con DPR sở hữu 51%, dự kiến sẽ quản lý các dự án này.
Về mặt định hướng chính sách của tỉnh, KBSV nhận thấy Bình Phước đang dần chuyển mình với định hướng trở thành thủ phủ công nghiệp mới nổi bên cạnh Bình Dương với tầm nhìn 35 KCN và cụm CN tới năm 2030. Trong đó 2 KCN của DPR là Nam Đồng Phú và Bắc Đồng Phú có vị trí rất thuận lợi khi nằm gần Bình Dương và đặc biệt là cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Dự án này khi được hoàn thành sẽ giảm tải rất nhiều cho tuyến DT741 và DT746 đã xuống cấp nhiều năm qua – yếu tố gây cản trở cho các NĐT mới khi đầu tư vào 2 KCN này.
“Với sự hỗ trợ hạ tầng này, giá thuê của KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú mở rộng sẽ cao hơn, lần lượt theo giả định là 65 USD/m2 /kỳ thuê với Bắc Đồng Phú và 75 USD/m2 /kỳ thuê với Nam Đồng Phú so với mức 55-60 USD/m2 /kỳ thuê hiện nay của 2 KCN hiện hữu” KBSV kì vọng.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý rủi ro giảm giá có thể xảy ra khi UBND tỉnh Bình Phước chậm trễ trong tiến độ giấy tờ và DPR không nhận được quyết định đầu tư theo giả định của của đơn vị phân tích. Hai KCN là điểm tựa dài hạn của DPR - Bắc Đồng Phú mở rộng và Nam Đồng Phú mở rộng ở vị trí tương đối thuận lợi và được hưởng giá cho thuê cao hơn nhờ cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Hà My
Theo KTDU