Sự kiện hot
10 năm trước

Cát tặc lộng hành sông Đồng Nai

Dantin - Bà Trần Thị Thu Hoài (Phó phòng Tài nguyên Môi trường quận 9) và ông Huỳnh Văn Hiếu (Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước, quận 9) cho rằng, công tác xử lý đã được UBND quận 9 áp dụng nhiều biện pháp nhưng cát tặc rất hung hăng và sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng.


Hơn 20 ha đất, trị giá khoảng 200 tỉ đồng của người dân tại phường Long Phước đã trôi xuống sông do tình trạng khai thác cát trái phép lộng hành

Chính quyền quận 9 chống cát tặc - “Cuộc chiến gian khổ”

Như Báo ĐS&TD số 68, ra ngày 17/7/2014 đã đăng bài phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra tại khu vực Long Phước, quận 9, TP.HCM, khiến hàng trăm nghìn mét vuông đất, trị giá hơn 200 tỉ đồng của người dân nằm vùi mình dưới sông. Để làm rõ vấn đề trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Thu Hoài và ông Huỳnh Văn Hiếu.

Bà Trần Thị Thu Hoài khẳng định: “Người dân phản ánh tình trạng khai thác cát ở khu vực phường Long Phước, quận 9 là chính xác, tình hình khai thác cát trái phép diễn ra tại đây quận cũng đã biết từ lâu”.

Theo bà Hoài, UBND quận 9 đã ký nhiều văn bản để cùng phối hợp với các địa phương như UBND TP.Biên Hòa, UBND huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), UBND thị xã Tân Uyên, UBND thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, bơm hút trái phép nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc ngăn chặn cát tặc. “Công tác xử lý cũng đã được UBND quận 9 áp dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên, vẫn rất khó để xử lý dứt điểm” - bà Hoài nói.


Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Q.9

Bà Hoài cũng cho rằng, thủ đoạn của cát tặc hoạt động bí mật và rất tinh vi. Nếu có bắt được quả tang, cát tặc lập tức giật “lỗ lù”, ghe chìm trong vòng 2-3 phút, còn cát tặc nhảy xuống sông, lặn mất tăm. Đã không bắt được, chính quyền còn phải bỏ ra một khoản tiền trục vớt những chiếc ghe dưới đáy sông để tiêu hủy. Điều bức xúc hơn, cát tặc còn đe dọa những người được chính quyền thuê lặn để trục vớt ghe, khiến cho họ không còn dám hợp tác với cơ quan chức năng truy bắt những tên trộm cát.

Cũng giống bà Hoài, ông Huỳnh Văn Hiếu cũng khẳng định: “Cát tặc rất hung hăng và sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của chính quyền địa phương”. Theo ông Hiếu, hiện UBND phường đang cho tiến hành xây dựng một chốt chặn ngay khu vực “cát tặc lộng hành” và sẽ đi vào hoạt động vào đầu tháng 8.2014. Chốt chặn này sẽ do lực lượng công an, dân phòng của phường túc trực 24/24 để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời việc trộm cát.

Ngoài ra, một số vấn đề chung được cả 2 vị đại diện đưa ra đó chính là về kinh phí cho việc phòng chống khai thác cát, lực lượng đấu tranh chống cát tặc còn mỏng. Cùng với sự liều lĩnh và manh động của cát tặc, sự vào cuộc chưa đồng bộ của các cấp các ngành cũng là nguyên nhân khiến việc bắt giặc cát giống như “bắt cóc bỏ dĩa”.

Cát tặc vẫn cứ lộng hành, trong khi khu vực Long Phước đã có hơn 20 ha đất của các hộ dân ở đây đã trôi sông, nếu tính theo giá đền bù của nhà nước tại khu vực này, trị giá số đất bị mất lên đến hơn 200 tỉ đồng. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần sớm có sự vào cuộc quyết liệt với nạn cát tặc để bảo vệ cuộc sống cho người dân nơi đây.

Nguyên Vũ - Giang Nam

Từ khóa: