Sự kiện hot
7 tháng trước

Cây nghệ trở thành sản phẩm OCOP 3 sao: Hành trình kinh tế - sáng tạo

Việc biến cây nghệ - một nguyên liệu tự nhiên quen thuộc - thành sản phẩm OCOP 3 sao không chỉ là một cơ hội kinh doanh mà còn là một hành trình sáng tạo và mang lại giá trị kinh tế cao. Đằng sau thành công đó là sự nỗ lực và sự tìm tòi, sáng tạo của chị Võ Thị Thu Hằng (SN 1985, ở thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), người đã tận dụng tiềm năng của cây nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng và cạnh tranh trên thị trường.

Cây nghệ, với những lợi ích sức khỏe và làm đẹp đã được chứng minh khoa học, là một nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá. chị Võ Thị Thu Hằng đã nhận ra tiềm năng của cây nghệ không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn trong việc sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Picture 1

Với kiến thức chuyên môn vững vàng, chị Thu Hằng đã tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ cây nghệ. Từ việc chọn lựa nguồn nguyên liệu tốt nhất đến quy trình chế biến và sản xuất, họ đã đảm bảo chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm.

Theo chị Thu Hằng, quy trình sản xuất tinh bột nghệ này không có gì đặc biệt nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẩn. Mỗi mẻ bột, người làm phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, sơ chế thật kỹ và tiến hành chiết xuất đảm bảo đúng tỷ lệ, quy trình.

Picture 2

Nghệ tươi sau khi rửa sạch đất được cạo sạch vỏ rồi đưa vào máy xay ép, tách bã trong khoảng 10 phút rồi đưa vào hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất. Sau khi để bột nghệ lắng xuống trong khoảng 7 - 8 tiếng thì tiếp tục lọc thêm nhiều lần nữa để loại bỏ tạp chất, đặc biệt là loại bỏ dầu nghệ. Tiếp đó, các mẻ nghệ sẽ được đưa vào sấy lạnh trong khoảng thời gian 3 - 5 ngày (nhiệt độ 19 - 20 độ C) nhằm để tinh bột nghệ khô từ từ mà vẫn đảm bảo hương vị đặc trưng và chất dinh dưỡng vốn có.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất do chị Thu Hằng làm chủ làm ra 25kg tinh bột nghệ nguyên chất (từ 500kg nghệ tươi). So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, tinh bột nghệ của cơ sở có giá tương đối cạnh tranh (400.000 đồng/hộp/kg).

Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 1,8 tấn tinh bột nghệ với doanh thu từ 650 - 700 triệu đồng (chưa kể 400 triệu đồng từ các dòng sản phẩm khác); tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ trong tỉnh, sản phẩm của cơ sở được phân phối đến rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Picture 3

Năm 2022, chị Thu Hằng đầu tư hơn 300 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm các loại máy móc như: máy xay mịn, máy xay ép liên hoàn, máy đóng góp, dập ép liên hoàn để nâng tầm sản phẩm. 

Với sự nỗ lực không ngừng, sản phẩm từ cây nghệ đã đạt được huyện Hương Sơn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao - một minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm trên thị trường. Điều này giúp tăng cường niềm tin từ phía người tiêu dùng và mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác kinh doanh khác.

Sản phẩm cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng còn đạt giải tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.

Picture 4

Hiện tại, cơ sở đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm chính, gồm: tinh bột nghệ nguyên chất (sản phẩm OCOP), bột nghệ nguyên chất; ngũ cốc cho người cao tuổi, người tăng cân, người giảm cân; hà thủ ô; sim rừng (tươi, khô); viên nghệ mật ong... Với mục tiêu xuyên suốt “Sự hài lòng về chất lượng của quý khách là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, cơ sở luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, nói không với chất phụ gia nhằm đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt, an toàn nhất.

Được biết, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh có 239 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm sau khi được công nhận đã được nâng cao về chất lượng, từng bước thay đổi mẫu mã đáp ứng với thị hiếu của người tiêu dùng cả trong lẫn ngoài nước…

Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tiếp tục khai thác có hiệu quả; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đồng bộ UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025.

Mục đích của kế hoạch, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Tích cực phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, để liên kết và dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường...

Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025, trên địa bàn Hà Tĩnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Đồng thời, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo...; phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: