Để tìm kiếm khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu, Sản phẩm OCOP Quảng Bình đang hướng tới sàn thương mại điện tử.
Vừa qua, Sở Công Thương Quảng Bình tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Bình năm 2023.
Kết nối cung cầu là cơ hội tốt để DN, HTX, cơ sở sản xuất tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh về nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh Quảng Bình kết nối với TP.HCM.
Địa phương này đang chú trọng kết nối cung cầu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và định hướng xuất khẩu. Sản phẩm OCOP Quảng Bình đang hướng tới sàn thương mại điện tử để tìm kiếm khách hàng tiềm năng đến từ các tỉnh, thành phố trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Quốc tế Sâm Tiến Vua chia sẻ kinh nghiệm về đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, để sản phẩm OCOP có giá trị cạnh tranh, cần xây dựng hình ảnh, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada, Facebook,… đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
“Để tiêu thụ tốt sản phẩm, ngoài các kênh truyền thống thì kênh thương mại điện tử là một trong những kênh mà chúng tôi tập trung vào. Khá nhiều hoạt động về xây dựng hình ảnh, làm các hoạt động công nghệ điện tử để chuẩn bị đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử này”, ông Hùng nói.
Tỉnh Quảng Bình hiện có 145 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm từ 3 sao trở lên, 150 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 20 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 9 sản phẩm đạt cấp quốc gia. Các DN tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP để ký kết biên bản ghi nhớ, tiến tới ký kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng những sản phẩm thành sản phẩm OCOP, sản xuất theo chuỗi liên kết.
“Các DN tìm hiểu, khai thác các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Bình để kí kết biên bản ghi nhớ tiến tới kí kết hợp đồng giao thương tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Tìm ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ mở rộng kênh phân phối, tìm ra phương án tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiến tới thị trường xuất khẩu quốc tế”, ông Nam nêu phương hướng.
Bùi Tuấn
Theo KT&ĐU