Một trong những tranh chấp nổi cộm tại chung cư CT3 Lê Đức Thọ là việc chủ đầu tư chiếm hữu riêng 2 tầng hầm, trong khi hợp đồng không có nội dung quy định điều này.
C'land khẳng định hai tầng hầm tại tòa nhà CT3 Lê Đức Thọ thuộc sở hữu riêng của họ, trong khi Ban Quản trị chung cư cho rằng đó là sở hữu chung của cư dân. (Ảnh: NVCC)
Theo thông tin PV nhận được, cư dân tại chung cư CT3 Lê Đức Thọ (số 81, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới đây “tố” chủ đầu tư (CĐT) là Công ty Đầu tư bất động sản Hà Nội (C’land) xâm phạm quyền sở hữu chung đối với hai tầng hầm B1 và B2.
Cụ thể, trong khi CĐT này khẳng định hai tầng hầm này thuộc sở hữu riêng của họ thì theo Ban Quản trị (BQT) tòa nhà, Điều 11 của hợp đồng mua bán căn hộ giữa CĐT và cư dân đã quy định rõ diện tích sở hữu chung và riêng, không có nội dung nào trong hợp đồng quy định hai tầng hầm thuộc sở hữu riêng của CĐT.
Trao đổi với PV, ông Tạ Văn Giang, Trưởng BQT chung cư CT3 Lê Đức Thọ cho biết: "Trong Điều 11 của hợp đồng, C'land từng chỉ rõ cư dân được sử dụng các phần diện tích thuộc sở hữu chung, trong đó có nơi để xe. CĐT chỉ sở hữu riêng một văn phòng thuộc tầng hầm (tại hầm B1 để bảo vệ sử dụng)".
Như vậy, nội dung hợp đồng mua bán căn hộ tại chung cư CT3 Lê Đức Thọ và khẳng định mới đây của CĐT tòa nhà này rõ ràng thể hiện sự không nhất quán: ban đầu thì quy định tầng hầm là sở hữu chung của cư dân, sau khi bán được nhà lại nói đó là diện tích sở hữu riêng của mình.
Nội dung Điều 11 trong hợp đồng mua bán căn hộ do C'land soạn từng chỉ rõ cư dân được sử dụng các phần diện tích thuộc sở hữu chung, trong đó có nơi để xe.
Do thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn hộ là trước năm 2014 nên hợp đồng áp dụng Luật Nhà ở năm 2005. Theo đó, Điều 100 Luật Nhà ở năm 2005 nêu rõ, phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm diện tích bên trong căn hộ (cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó); diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư; hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.
Còn phần sở hữu chung của nhà chung cư là diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng nói trên; nhà sinh hoạt cộng đồng; không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong tòa nhà; hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó; các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt (gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác).
Điều 101 Luật này cũng quy định, chỗ để xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư.
Còn chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này...
“Mới đây vào cuối tháng 8, Sở Xây dựng thành phố đã mời BQT, CĐT và đại diện UBND quận Nam Từ Liêm lên họp để bàn về tranh chấp tại tầng hầm tòa nhà. Nhưng khi các bên có mặt đầy đủ thì Sở lại bất ngờ hủy họp với lý do: các phòng, ban chuyên môn chưa chuẩn bị đầy đủ tài liệu”, ông Giang nói.
Giấy mời hợp của Sở Xây dựng Hà Nội vào cuối tháng 8. (Click vào ảnh để xem rõ)
Đại diện cư dân tỏ ra bức xúc khi đã gửi kiến nghị đến Sở Xây dựng cả tháng rồi mà lại nhận được phản hồi rằng Sở chưa chuẩn bị đủ tài liệu. Mặc dù Sở đã hẹn sẽ tổ chức lại cuộc họp sau 2 - 3 ngày, nhưng đến nay đã hơn 10 ngày mà BQT vẫn chưa nhận được giấy mời họp lại. Theo đại diện BQT tòa nhà, khi BQT liên hệ thì một đại diện phía Sở Xây dựng thông tin sẽ sắp xếp để tổ chức họp vào đầu tuần sau (khoảng ngày 11/9).
Về phía CĐT, PV đã liên hệ với công ty C’land để làm rõ những thông tin xung quanh vấn đề tranh chấp này, tuy nhiên sau khi yêu cầu PV đến đặt giấy hẹn, công ty chỉ email lại rằng “sẽ tập hợp câu hỏi của báo chí và trả lời trong một thông cáo chung”. Đến nay đã gần một tháng nhưng C’land vẫn chưa có câu trả lời công khai cho báo chí và người dân.
BQT tòa nhà đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu CĐT đến chung cư đối thoại cùng cư dân nhưng doanh nghiệp không thực hiện, thậm chí còn có văn bản từ chối gặp mặt mà không hề nêu lý do. Ngày 26/7, C’land đã gửi “lời mời ngược” yêu cầu đại diện cư dân lên trụ sở công ty cùng làm việc nhưng tại buổi gặp này cả hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Không những thế đại diện cư dân còn phản ánh, C’land cũng không hợp tác bàn giao công tác quản lý vận hành cho đơn vị đã được cư dân lựa chọn là Công ty TNHH quản lý tòa nhà Việt (Vietbuidings). Thậm chí, CĐT còn bố trí nhân viên cản trở việc bàn giao khiến tòa nhà hiện có đến hai đơn vị quản lý vận hành (trong khi quy định chỉ cho phép mỗi tòa chung cư có một đơn vị quản lý vận hành).
Trước đó khoảng hơn một năm, CĐT còn từng bị cư dân CT3 Lê Đức thọ “tố” không bàn giao hồ sơ nhà chung cư và quỹ bảo trì cho BQT tòa nhà. Sau nhiều văn bản đốc thúc từ phía Sở Xây dựng thành phố, đến nay CĐT vẫn không chịu quyết toán, mới chỉ trả một phần phí bảo trì (chưa đủ số tiền gốc và không có phần tiền lãi ngân hàng); bàn giao thiếu những hồ sơ quan trọng (như hồ sơ kỹ thuật liên quan đến hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, thang máy…).
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnambiz