Sự kiện hot
5 năm trước

CEO 9X gọi vốn thành công qua chương trình truyền hình

26 tuổi, bằng đam mê kinh doanh và không sợ thất bại, cô gái Nguyễn Thị Thu Phương (ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật sấy, tận dụng ưu thế của địa phương để khởi nghiệp với cây mắc ca. Thông qua một chương trình truyền hình, cô vừa kêu gọi thành công nhà đầu tư góp 5 tỷ đồng cho dự án.

Trước đó, đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca” của Thu Phương đã giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018. Và mới đây, tối 14/8, trên chương trình truyền hình thực tế “Thương vụ bạc tỷ” - “Shark Tank Việt Nam”, Thu Phương đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng từ các nhà đầu tư “Cá mập” cho dự án của mình.

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng và trải qua nhiều vị trí như: Lễ tân, CEO, bán hàng... nhưng cuối cùng, Nguyễn Thị Thu Phương lại bén duyên với cây mắc ca trên chính quê hương mình. Theo đó, mấy năm trước, Phương trở về quê nhà đúng vào vụ thu hoạch mắc ca, nhìn những hạt mắc ca to tròn, xanh mướt, cô gái trẻ chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh.

Phương lên mạng tìm hiểu thông tin, đi tham quan thực tế một số công ty chuyên sản xuất, chế biến mắc ca thành phẩm ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Mặc dù đây là lĩnh vực mới nên chưa có nhiều mô hình, tài liệu liên quan để nghiên cứu nhưng Phương vẫn quyết định theo đuổi với ý nghĩ “ít người làm thì mình có nhiều cơ hội”.

Có dịp ghé về thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, phóng viên được chứng kiến “sự nghiệp” của cô gái trẻ này. Đó là 2 kho lạnh chứa hàng tấn mắc ca, là hệ thống dập nứt - đóng gói - sấy - hút chân không và đóng thùng sản phẩm. Ít ai biết rằng, để có được hệ thống hoàn thiện như ngày hôm nay, việc kinh doanh đi vào ổn định và phát triển, Phương đã trải qua không ít khó khăn và thất bại.

Phương cho biết, cô đã dành 6 tháng đầu năm 2016 để tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật, sản phẩm, thị trường tiêu thụ và mua máy móc về để hiện thực hóa ước mơ. Giữa năm 2016, sản phẩm “mắc ca sấy dập nứt” mang thương hiệu Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương lần đầu tiên được tung ra thị trường bằng hình thức bán lẻ, bán online và được người tiêu dùng đón nhận.

Khó khăn khi ấy liên tiếp ập đến bởi hệ thống sấy chưa hoàn thiện, máy dập chưa có… Phương đã cùng công nhân phải dùng búa đập hạt, hạt hư hỏng nhiều. Trong khi ở Việt Nam, chưa có máy dập hạt mắc ca chuyên biệt, máy nhập về từ nước ngoài có giá thành cao nên Phương chọn mua máy dập các loại hạt thông dụng rồi mang đến tiệm cơ khí gia công lại cho phù hợp. Với chủ trương “lấy uy tín làm đầu”, hàng lỗi, hàng hư hỏng được Phương đổi cho khách hàng, mặt khác, Phương dần hoàn thiện hệ thống máy móc theo phương châm như “khó ở đâu, gỡ ở đó”, “không làm nhanh, làm từ từ” để tìm giải pháp vượt qua thất bại.

Và sau một năm thua lỗ, năm 2017 Phương xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, sau khi trừ chi phí, cô còn lãi 450 triệu đồng. Sản phẩm “Mắc ca Nguyên Phương” lúc này được bán chủ yếu qua đại lý do chị xây dựng. Và đến nay, cô gái trẻ đã có nhiều đại lý lớn đặt ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh thành trong cả nước 90% tổng sản lượng.

Ngoài phân phối sản phẩm ở thị trường trong nước, sản phẩm Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương đã xuất khẩu tiểu ngạch qua một số nước trên thế giới (chiếm tổng sản lượng 10%).

“Shark” Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, thành viên ban giám khảo cuộc thi Shark Tank nhận xét: “Phương tuy là phụ nữ nhưng có nghị lực rất lớn, phẩm chất rất phù hợp với từ khởi nghiệp, bởi phẩm chất của người đứng đầu quyết định trên 50% sự thành công trong kinh doanh. Cá nhân Phương đã thất bại nhiều lần nhưng em đã tìm ra giải pháp để thành công”.

Hơn 2 năm, bằng sự quyết tâm của mình, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Phương đã hiện thực hóa ước mơ của mình, tạo đầu ra cho sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, là địa chỉ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc, chế biến mắc ca giữa nông dân và các giáo sư trong ngành. Trong thời gian tới, Công ty của Phương tiếp tục ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện để đảm bảo nguyên liệu sản xuất với các hộ dân trong địa bàn huyện và các huyện lân cận trong tỉnh.

Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: