Đại gia Đường "bia" vốn được biết đến là người đầu tiên mở công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội, sau khi phất lên, ông bắt đầu lấn sân vào cuộc chơi bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án lớn tại HN, Đà Nẵng...
Từ một cựu binh thành đại gia đa ngành nghề
Mới đây, dư luận xôn xao về dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng có bể bơi vô cực dát vàng trên tầng mái. Vào ngày 1/10, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietLings) đã trao chứng nhận đây là bể bơi vô cực dát vàng 24K cao nhất Việt Nam (bể bơi được xây trên nóc tòa nhà 29 tầng, dát vàng phần gạch). Dự án này do Công ty TNHH Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Bể bơi vô cực dát vàng trên nóc tòa nhà Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng. (Ảnh: VnExpress)
Chủ công ty này là ông Nguyễn Hữu Đường - hay còn gọi là đại gia Đường “bia”, Đường “malt”, một cựu binh xuất ngũ năm 1979 và bắt đầu kinh doanh từ năm 1989. Sau khoảng 10 năm đạp xích lô chở bia thuê trong HTX vận chuyển bia của Công ty Bia Hà Nội, năm 1987 khi nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, với vốn học mót kinh nghiệm làm bia, ông Đường đã đứng ra lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình. Trên cơ sở đó đến năm 1993, Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội. Theo thông tin trên website Công ty TNHH Hòa Bình thời điểm năm 2015, nhà máy sản xuất bia và nước giải khát Hòa Bình áp dụng dây chuyền sản xuất của Đức, công suất đạt hơn 200 triệu lít/năm.
Ông Đường bắt đầu kinh doanh với việc sản xuất bia, sau đó ông "lấn sân" sang làm malt, làm nước ngọt, đầu tư bất động sản. (Ảnh: Báo Xây dựng)
Sau đó, phát hiện ra nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2002. Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất của Cộng hòa Liên bang Đức và sản phẩm malt làm ra không thua kém gì so với malt nhập khẩu.
Cũng bởi không chịu lép vế trước doanh nghiệp ngoại, ông Đường còn bắt tay vào sản xuất nước giải khát (nước có ga và không ga), trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế vốn đang phổ biến tại Việt Nam như Coca-Cola hay Pepsi. Công ty của ông Đường đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất nước ngọt đặt tại Bắc Ninh mang tên V-Cola, công suất hơn 200 triệu lít/năm.
Ngoài làm bia, làm malt, làm nước ngọt, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường còn tham gia vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ, bắt đầu từ năm 2008. Khi Chính phủ quy định cho vay tới 85% với lãi suất ưu đãi để sản xuất công nghiệp, ông Đường quyết định đầu tưu 1.000 tỷ đồng làm nhà máy cán thép không gỉ khổ rộng 1,4m. Đây là nhà máy cán thép khổ lớn đầu tiên do doanh nghiệp nội đầu tư tại Việt Nam. Tháng 7/2013, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và sản phẩm của nhà máy đã chiếm đến khoảng 30 - 40% thị phần trong nước.
Công ty Hòa Bình đang sở hữu những dự án BĐS nào?
Theo website của doanh nghiệp, Công ty TNHH Hòa Bình tiền thân là một tổ hợp gồm 9 người (có 7 người là thương binh), chính thức thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ là 415 tỷ đồng, mã số thuế là 0100276146, trụ sở chính tại số 84 Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Công ty TNHH Hòa Bình đang có 7 công ty thành viên gồm:
- CTCP xây dựng và sản xuất thép Hòa Bình (số 31 đường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
- CTCP Trung tâm Thương mại V+ Hòa Bình (số 505 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội)
- CTCP Bia và Nước giải khát Hòa Bình (số 1, đường TS3, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh)
- Công ty TNHH in ấn và sản xuất bao bì Thuận Phát (số 51 ngõ 376/12 đường Bưởi, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
- CTCP Quốc tế Inox Hòa Bình (Km 19+500, Yên Phú, Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên)
- CTCP Đường Man (số 1 đường TS15, Khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh)
- Công ty Liên doanh Rượu Việt - Pháp (số 202H Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)
Theo thông tin từ Cổng đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty TNHH Hòa Bình đăng ký đến 81 mã ngành, nghề kinh doanh khác nhau. Trong đó, ngành, nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác (chi tiết: xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp). Ngoài ra, các ngành, nghề kinh doanh khác của doanh nghiệp là sản xuất rượu vang, bia, mạch nha ủ men bia, đồ uống không cồn, nước khoáng...; sản xuất sợi, vải dệt thoi, thảm, chăn đệm...; sản xuất giày dép, bột giấy, giấy...; in ấn; kho bãi và lưu trữ hàng hóa; bán ô tô, xe máy; kinh doanh bất động sản...
Hiện tại, Công ty TNHH Hòa Bình đang sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn. Trong đó, phải kể đến trước tiên chính là dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng có dát vàng bể bơi đã nói ở trên. Tại khách sạn thuộc dự án này, không chỉ có bể bơi mà thậm chí cả các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K. Đại gia Đường “bia” còn cho xây dựng và dát vàng công viên 10 kỳ quan thu nhỏ, tái hiện những kỳ quan nổi tiếng của cả Việt Nam và thế giới như Hồ Gươm, Quảng trường Đỏ, Khải Hoàn Môn, Tháp Eiffel, Tháp nghiêng Piza...
Có vị trí trên đường Lê Văn Duyệt, quận Sơn Trà, dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng được khởi công từ tháng 3/2016 với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, chống được động đất cấp 8 với tổng diện tích 12.500 m2. Đây là một trong những dự án gây ấn tượng cho toàn thị trường về tốc độ thi công, dự án đang chạy đua để kịp phục vụ cho Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới.
Trước đó tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Đường cũng từng dát vàng thành lan can căn hộ, chạy chỉ ở sảnh và cửa thang máy tại dự án Hoà Bình Green City Hà Nội (tại số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Chi phí dát vàng khiến giá mỗi căn hộ đội lên 20 triệu đồng nhưng phần tiền này do ông chịu hoàn toàn. Không dừng lại ở đó, đến tòa nhà thứ hai của dự án này, ông Đường tiếp tục mạnh tay dát vàng cho toàn bộ những thiết bị kim loại trong các nhà vệ sinh của từng căn hộ.
Hoà Bình Green City Hà Nội có tổng diện tích 17.377 m2, gồm hai tòa tháp cao 27 tầng (gồm 3 tầng hầm, 4 tầng thương mại và 22 tầng chung cư). Dự án đã hoàn thiện và bàn giao từ hồi tháng 7/2015.
Ngoài hai dự án trên phải kể đến bước ngoặt để vị đại gia này rẽ hướng sang đầu tư bất động sản, đó là từ năm 2004, khi thành phố Hà Nội giao cho doanh nghiệp hơn 5.000 m2 đất tại số 106 đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy). Công ty đã đầu tư 26,1 triệu USD xây tòa tháp đôi Hòa Bình (Hòa Bình Somerset) với hai sân bay trên nóc, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2006. Dự án này đã tạo nên uy tín cho ông Đường trong giới bất động sản, từ đây doanh nghiệp của ông còn nhận được nhiều khu đất đẹp khác của Hà Nội.
Công ty của đại gia Đường "bia" còn triển khai nhiều công trình quy mô khác như dự án Nhà máy Đường Man (tại Bắc Ninh, đã hoàn thành năm 2004); dự án Khách sạn Hòa Bình Palace (tại số 27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã hoàn thành năm 2006); dự án Hoa Binh Green Apartment (tại dốc 376 đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội).
Trung tâm thương mại thương hiệu V+ tại dự án Hòa Bình Green City. (Ảnh: vplusmall)
Không chỉ đổ tiền vào các dự án chung cư, khách sạn, văn phòng, đại gia Đường “bia” còn đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại mang thương hiệu V+ trên khắp cả nước, bắt đầu từ năm 2015. Để có tiền thực hiện tham vọng này, ông đã bán lại tòa Tháp quốc tế Hòa Bình với giá 735 tỷ đồng.
Vị doanh nhân xuất thân cựu binh dự định cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam miễn phí thuê mặt bằng và mong muốn sẽ xây dựng ở mỗi tỉnh một trung tâm. Mục đích để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh với công ty ngoại đang chiếm lĩnh thị trường. Mô hình này ban đầu được áp dụng với 25.000 m2 sàn trung tâm thương mại tại dự án Hòa Bình Green City (BigC từng muốn thuê hết mặt bằng tại dự án này trong 50 năm với giá 330 tỷ đồng nhưng ông Đường từ chối).
Linh Lê
Theo KTTD, Vietnammoi