Vấn đề trách nhiệm có lẽ chưa dừng lại ở quá trình thiết kế, thẩm định và nghiệm thu công tác PCCC. Với hàng loạt các cơ sở kinh doanh karaoke có vi phạm về biển bảng, kích thước biển quảng cáo…, Luật Quảng cáo dường như đang bị “bỏ ngỏ”, trách nhiệm này thuộc về ai?
Nhiều biển bảng quảng cáo sai quy định được tháo dỡ sau vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy). (Ảnh: Internet)
Đợt tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC trên địa bàn thành phố dường như phát huy tính hiệu quả, bởi hàng loạt các cơ sở kinh doanh karaoke có vi phạm về an toàn PCCC, biển bảng quảng cáo đã được tháo dỡ và yêu cầu ngừng hoạt động. Ngoài các cơ sở không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC, thì có tới hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke…vi phạm các quy định về biển bảng quảng cáo. Hiện, trên các tuyến phố được coi là “thủ phủ” của karaoke như Nguyễn Khang, Xã Đàn, Bùi Thị Xuân … nhiều cơ sở có vi phạm về biển bảng đang đồng loạt được tháo dỡ. Riêng tại Quận Cầu Giấy, trong tổng số 88 cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép (3 cơ sở đã dừng hoạt động vì kinh doanh thua lỗ), thì có tới trên 60 cơ sở vi phạm lỗi về biển bảng, các cơ sở này đã được lực lượng chức năng yêu cầu tạm dừng kinh doanh để tháo dỡ.
Hiện, nguyên nhân về vụ cháy một phần được xác định là do tấm biển quảng cáo quá lớn, đã che kín mặt tiền khiến các nạn nhân không thể thoát nạn. Luật Quảng cáo 2012 đã quy định rất rõ về chiều cao, kích cỡ đối với biển quảng cáo. Vậy, tại sao những quy định này lại không được thực thi?
Khoản 3,4 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 có quy định rõ về thước biển hiệu. Theo đó: “Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng”.
Trong công tác thiết kế, Thông tư số 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn về đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke cũng quy định: “Khi thiết kế, lắp đặt biển quảng cáo của công trình bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, kết cấu, vật liệu, chiếu sáng được quy định tại QCVN 17: /BXD - Quy chuẩn về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời. Vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín cả nhà, công trình, che lấp các lối thoát nạn, ban công”.
Vậy, trên địa bàn thành phố đã có bao nhiêu đơn vị thực hiện đúng những quy chuẩn, tiêu chuẩn này? Ai là người đã nghiệm thu, cấp phép cho hoạt động quảng cáo?
Theo phân cấp của UBND TP. Hà Nội thì Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội sẽ có trách nhiệm: “Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép quảng cáo trên bảng, biển, pa nô, băng rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác và các hình thức tương tự treo, đặt, dán, dựng ở ngoài trời hoặc tại nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội…”.
Vậy so với thực tế, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội đã làm được những gì? Trong số gần 1.300 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm quy định về biển quảng cáo thì nhà quản lý, đơn vị giám sát đã ở đâu? Ai là người chịu trách nhiệm?
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy cho biết: Khi các cơ sở này được cấp phép thì các điều kiện về an toàn PCCC, biển bảng quảng cáo đều đã đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, do các quy định pháp luật và các thông tư hướng dẫn luật ra đời vào các thời điểm khác nhau nên việc triển khai áp dụng chưa được đồng bộ. Ví dụ trong công tác phòng cháy chữa cháy, có những cơ sở hoạt động từ năm 2013, nhưng đến 2015 thông tư số 47/2015/TT-BCA mới ra đời và có hiệu lực…
Cũng theo ông Trần Việt Hà thì cơ sở kinh doanh karaoke số 68 Trần Thái Tông thuộc một trong số 11 cơ sở chưa được cấp phép hoạt động. Trước khi xảy ra vụ việc, các đoàn kiểm tra liên ngành và chính quyền địa phương đã 3 lần tổ chức kiểm tra: Lần thứ nhất vào ngày 9/10/2016 do Tổ công tác của Công an phường cùng cán bộ Đội quản lý hành chính Công an quận tiến hành kiểm tra; Lần thứ hai vào ngày 12/10/2016 do Đoàn kiểm tra liên ngành của Quận và Phường Dịch Vọng Hậu tiến hành kiểm tra và lập biên bản; Lần thứ ba vào ngày 17/10/2016 do đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành Quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra. Cũng tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, biên bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Vậy các vấn đề khác như biển bảng không đúng tiêu chuẩn, kích cỡ quy định thì có được chính quyền địa phương kiểm tra hay không? Luật Quảng cáo quy định chiều cao tối đa đối với biển quảng cáo là 2m, vậy với tấm bảng cao trên 20m, mắt thường cũng có thể nhìn thấy thì cơ quan chuyên trách có phát hiện được ra không? Nếu phát hiện, tại sao phải chờ đến khi có sự cố đáng tiếc, sai phạm mới được “khui ra”? Trách nhiệm này đã được Công an Thành phố tính đến chưa?
Theo kết quả cuộc rà soát, các cơ sở vi phạm lỗi biển bảng quảng cáo hiện không chỉ diễn ra riêng trên địa quận Cầu Giấy, mà còn phổ biến rộng khắp tại các quận “trọng điểm” về kinh doanh karaoke như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa…
Câu chuyện về vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) đang dần được khép lại với trách nhiệm thuộc về 3 chủ thể là Công ty Cp Đầu tư Thương mại Thiên an Phú (đơn vị được thuê thiết kế, thi công, lắp đặt), chủ quán và 3 thợ hàn. Tuy nhiên, nhìn từ nguyên nhân sâu xa của vụ việc thì hậu quả vấn đề còn được xác định có trách nhiệm của các đơn vị thiết kế, thẩm định, nghiệm thu công tác PCCC và đơn vị cấp giấy phép cho hoạt động quảng cáo. Nếu chỉ dừng lại ở vấn đề hiện tại, mà bỏ qua những nguyên nhân gián tiếp này, thì vụ việc liệu có đảm bảo tính công bằng hay không? Đề nghị công an thành phố, các lực lượng chức năng cần có sự vào cuộc công minh để đảm bảo tính khách quan, trung thực và tính thượng tôn của pháp luật.
theo Xây dựng