Điều mà các cổ đông cần chính là những thông tin chân thực hơn, tin cậy hơn về giá trị nội tại của DN, chứ không phải những lời hứa tương lai.
Điều mà các cổ đông cần chính là những thông tin chân thực hơn, tin cậy hơn về giá trị nội tại của DN, chứ không phải những lời hứa tương lai.
TIG đã từng tuyên bố sẽ đồng loạt triển khai thực hiện đầu tư
Dưới góc độ NĐT, chuyên gia chứng khoán Phạm Kinh Luân cho biết, thông tin NĐT quan tâm vẫn là kết quả kinh doanh năm vừa qua, kế hoạch kinh doanh của DN trong năm 2012 và kế hoạch trả cổ tức. Theo ông Luân, dù biết rằng DN gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2011 nhưng NĐT vẫn mong DN chỉ ra được khó khăn, vướng mắc cụ thể mà DN đang gặp phải để tìm hướng tháo gỡ, chứ không phải nhắc lại điệp khúc “DN khó khăn do lạm phát, lãi suất cao…”.
Trên thực tế, tại đại hội cổ đông thường niên của nhiều DN những năm qua, với chương trình đại hội vỏn vẹn trong nửa ngày làm việc, mà bài phát biểu của ban lãnh đạo DN đã chiếm hơn nửa thời gian (trong khi những nội dung đó đã được DN in ra trong tài liệu phát trước cho cổ đông) thì phần quan trọng nhất là trao đổi với cổ đông lại bị coi nhẹ. Thậm chí, có nhiều DN sử dụng câu hỏi “cò mồi” trong phần chất vấn của cổ đông, để sao cho phần trả lời được thuận tiện, trơn tru nhất và cuối cùng vẫn là điệp khúc quen thuộc “do thời gian có hạn nên chúng tôi sẽ tập hợp tất cả ý kiến của cổ đông và trả lời qua e-mail một cách sớm nhất”.
Năm qua, DN các ngành đều gặp khó khăn riêng, nhưng đặc biệt khó khăn đối với các DN kinh doanh bất động sản. Theo ông Luân, vào thời điểm thị trường sốt nóng, rất nhiều DN bất động sản đã “tay không bắt giặc”, huy động vốn của cổ đông bằng những dự án trên giấy, NĐT hoàn toàn có thể nghi ngờ về mục đích đầu tư số tiền huy động được của DN. Bởi những dự án mà DN “vẽ” lên để huy động vốn cổ đông vẫn hoàn toàn “bất động”.
CTCP Tập đoàn Thăng Long (TIG) đã từng tuyên bố sẽ đồng loạt triển khai thực hiện đầu tư, khai thác các dự án có khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận nhanh (như Dự án khu nhà ở Đại Mỗ, Dự án khu nhà ở Lô 8 -1 Mỹ Đình, Dự án Hanoi ICT Tower; đồng thời, triển khai đầu tư khai thác dần các dự án lớn khác như Van Tri Ecoland…) nhưng điều mà NĐT thấy được trước mắt chỉ là khoản lợi nhuận hơn 200 triệu đồng mà Công ty đã đạt được trong năm 2011.
CTCP Hạ tầng xây dựng sông Đà (SDH) cũng từng công bố thông tin về việc năm 2011, Công ty sẽ ghi nhận doanh thu từ dự án KCN Yên Phong II với lợi nhuận ước đạt 50 - 60 tỷ đồng. Nhưng theo dự kiến, lợi nhuận của SDH trong năm 2011 của SDH sẽ đạt thấp hơn nhiều so với con số này.
Ngay cả việc ghi nhận doanh thu từ một số dự án cũng làm cổ đông hoài nghi. Đơn cử như dự án 102 Trường Chinh của CTCP Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) đã được lãnh đạo Công ty công bố hạch toán ngay trong năm 2010, nhưng sang năm 2011, khoản thu từ dự án này vẫn chưa được hạch toán. Tình trạng này khá phổ biến ở các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Một nội dung được nhiều NĐT quan tâm và kỳ vọng nhất ở DN là cổ tức, nhất là trong bối cảnh cổ phiếu rớt giá mạnh so với thời điểm đầu tư thì thu nhập cổ tức lại càng trở nên có ý nghĩa. Nhưng không phải DN nào cũng trả cổ tức cho cổ đông theo đúng cam kết. Đơn cử, CTCP Đầu tư Phát triển Sông Đà (SIC) đã thông báo điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền tỷ lệ 10% đến lần thứ 4. Theo giải thích từ phía SIC, sở dĩ Công ty phải lùi việc trả cổ tức đến ngày 30/3/2012 là do Công ty chưa kịp thu xếp nguồn tiền và lợi nhuận sau thuế năm 2011 của SIC cũng được điều chỉnh giảm 23%, xuống còn 20 tỷ đồng.
Những điều này sẽ được lãnh đạo DN giải trình với cổ đông ra sao trong mùa ĐHCĐ? Khó khăn của kinh tế vĩ mô là yếu tố khách quan mà DN nào ít nhiều bị tác động nhưng điều mà các cổ đông cần chính là những thông tin chân thực hơn, tin cậy hơn về giá trị nội tại của DN, để quyết định nên tiếp tục đầu tư hay thoái vốn ra khỏi DN.
Hoàng Anh
Theo Dau tu chung khoan