Sáng nay 29/10, giá vàng SJC giao dịch quanh ngưỡng 37,33 triệu đồng mỗi lượng, so với thế giới giá vàng thương hiệu này đang đắt hơn 2,8 triệu đồng.
Sáng nay 29/10, giá vàng SJC giao dịch quanh ngưỡng 37,33 triệu đồng mỗi lượng, so với thế giới giá vàng thương hiệu này đang đắt hơn 2,8 triệu đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn đang niêm yết giá mua vàng SJC tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh là 37,27 triệu đồng/lượng còn chiều bán ra là 37,33 triệu đồng/lượng.
Công ty DOJI Hà Nội đang giao dịch giá vàng SJC từ 37,26-37,32 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).
Cùng thời điểm trên, giá bán ra đối với vàng thương hiệu SJC tại các ngân hàng thương mại như Vietinbank, TienphongBank, DongABank... cũng xoay quanh mức giá 37,32 triệu đồng/lượng.
Như vậy, so với chốt phiên trước là 37,33 triệu đồng/lượng, giá bán ra của thương hiệu SJC đầu giờ sáng nay gần như không đổi.
Chênh lệch giá mua/giá bán của vàng thương hiệu SJC cũng được thu hẹp, dao động trong khoảng từ 60.000-70.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, với giá niêm yết từ 34,70-35,25 (mua vào/bán ra), chênh lệch giá mua/giá bán của vàng Rồng Thăng Long (Bảo Tín Minh Châu) vẫn giữ ở mức 550.000 đồng/lượng, cao nhất kể từ đầu tháng Mười.
Tính từ ngày 28/3 đến 25/10, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 67 phiên đấu thầu bán vàng miếng. Trong đó, khối lượng trúng thầu là 1.681.500 lượng trên tổng số 1.792.000 lượng chào thầu.
Tuy nhiên, số lượng vàng chào thầu cũng giảm dần, từ 24.000 lượng vàng vào thời điểm 28/3 đã giảm xuống còn 15.000 lượng vàng.
Nhận định về việc đấu thấu vàng miếng, tại cuộc họp báo Chính Phủ chiều 26/10, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, khả năng thị trường cũng đã bão hòa, nhu cầu mua vàng miếng của các ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, đặt ra vấn đề trả lại để thị trường vàng miếng tự quyết định trong bối cảnh hiện nay là chưa phù hợp, do việc thực hiện Nghị định 24/CP đã phát huy hiệu quả.
"Hiện chúng ta mới chỉ mới bước đầu áp dụng cơ chế này để quản lý thị trường vàng, mà lại đặt vấn đề trả lại như ngày xưa thì rõ ràng chưa phải thời điểm. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải tiếp tục cơ chế quản lý vàng làm sao cho hiệu quả nhất," ông Tú nói.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco tăng 0,3% lên mức 1354,5 USD/ounce, cao nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây.
Ở mức giá hiện tại, sau khi quy đổi theo tỷ giá của Ngân hàng Vietcombank là 21.115 đồng/USD, giá vàng thế giới tương đương 34,53 triệu đồng/lượng, thấp hơn thương hiệu SJC trong nước 2,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường ngoại tệ trong nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 29/10 là 21.036 đồng/USD. Trần tỷ giá áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 21.246 đồng/USD, không đổi hơn ba tháng qua.
Sáng nay, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại lớn cao nhất là 21.120 đồng/USD còn giá mua dao động từ 21.070-21.080 đồng/USD.
Cụ thể, ngân hàng Vietcombank và Vietinbank cùng niêm yết giá mua vào là 21.075 đồng/USD còn chiều bán ra là 21.115 đồng/USD.
Phía ngân hàng Eximbank niêm yết giá mua vào là 21.070 đồng/USD còn bán ra là 21.120 đồng/USD, trong khi ngân hàng BIDV niêm yết từ 21.075-21.115 (mua vào/bán ra).
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Chenh-lech-vang-SJC-voi-the-gioi-con-28-trieu-dong/201310/222706.vnplus
Đức Duy
theo Vietnam+