Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại… tại Dự án Nhà ga hành khách Quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng.
Công trình sẽ đáp ứng tối đa 1.600 a khách vào giờ cao điểm. Sau khi có ga quốc tế mới, nhà ga hiện tại của sân bay Đà Nẵng chuyển thành ga nội địa. Ảnh Zing.vn
Nhiều sai phạm
Theo nguồn tin riêng của Pháp luật Plus, thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận số 402KL-TTr về công tác quản lý đầu tư xây dựng tại Dự án Nhà ga hành khách Quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng làm chủ đầu tư (Công ty AHT), qua đó đã chỉ ra nhiều vi phạm, tồn tại…
Một phần nội dung kết luận thanh tra.
Kết luận Thanh tra số 402KL-TTr cũng chỉ rõ, đến tháng 5/2017, công trình Nhà ga hành khách Quốc tế đã được đưa vào khai thác, sử dụng nhưng Công ty AHT chưa được Cảng vụ Hàng không miền Trung ký hợp đồng cho thuê đất, đã vượt quá 18 tháng (kể từ ngày Nghị định số 102/2015/NĐ-CP có hiệu lực) theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 102/2015/NĐ-CP. Vi phạm Khoản 3 Điều 57 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trách nhiệm thuộc Cảng vụ Hàng không miền Trung, Cục Hàng không Việt Nam và Công ty AHT.
Không chỉ vậy, phía chủ đầu tư phê duyệt tiêu chuẩn xây dựng hết hiệu lực tại thuyết minh thiết kế kỹ thuật đối với TCVN 2096-1993 Sơn - Phương pháp xác định thời gian khô và độ khô trong khi tiêu chuẩn này đã được thay thế bằng TCVN 2096-1:2015 và TCVN 2096-3:2015 (ISO 9117-1:2009) Sơn và vecni - Phương pháp xác định độ khô và thời gian khô. Vi phạm Khoản 3 Điều 83 Luật Xây dựng năm 2014.
Một trong nhiều hạng mục thi công Dự án Nhà ga hành khách Quốc tế - Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Ảnh Kenh14.vn (chụp tháng 3/2017).
Công ty AHT chưa phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng, vi phạm điểm b Khoản 1 Điều 126 Luật Xây dựng năm 2014.
Một số nhà thầu thi công sử dụng máy móc, thiết bị thi công khi không có giấy tờ lưu hành kiểm định theo quy định, cụ thể tại các gói thầu: Thi công cọc khoan nhồi; thi công xây dựng phần móng; thi công xây dựng kết cấu phần thân nhà ga. Vi phạm Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP.
3 nhà thầu không mua bảo hiểm hoặc mua thiếu bảo hiểm cho người lao động trên công trình theo cam kết của hợp đồng; thiếu một số kết quả thí nghiệm; nhà thầu tham gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng chưa có chứng chỉ hạng I khi thực hiện thi công đối với công trình cấp I theo quy định; đối với các bộ phận công trình bị che khuất, nhà thầu thi công chưa lập bản vẽ hoàn công theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 26/2016/TT-BXD…
Đáng chú ý, một số hạng mục công việc trong hợp đồng của 8 gói thầu không thi công hoặc thi công khối lượng ít hơn khối lượng của hợp đồng, tương ứng giảm tổng số tiền trên 48,1 tỷ đồng; tính sai về khối lượng và đơn giá của một số hạng mục tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của Pháp luật Plus, thì mới đây theo Thông báo số 3795/TB-CT của Cục Thuế thành phố Đà Nẵng ngày 1/11/2017 về việc tạm nộp tiền thuê đất năm 2015 - 2017, Công ty AHT phải nộp trên 13,2 tỷ đồng.
Trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát...phải thực hiện ra sao? Việc thi công thiếu, thiết bị thi công không đảm bảo chất lượng...liệu có bảo đảm tới chất lượng công trình? Nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công bị xử phạt ra sao?
Năm 2013 đã từng bị thanh tra, chỉ rõ sai phạm
Năm 2013, nhiều cơ quan truyền thông đã đăng tải về những sai phạm của Dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng mà Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rất rõ.
Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng thời điểm đó đã thanh tra về công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng tại 2 dự án: Dự án kéo dài và nâng cấp đường hạ cất cánh 35R-17L và Dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Báo Đầu tư tháng 5/2013 có đăng tải nội dung, hồ sơ bản vẽ thi công chưa đầy đủ, bản vẽ chi tiết các hạng mục công trình theo đúng quy định, không đưa ra đúng chỉ dẫn kỹ thuật thi công…; lập dự toán chưa căn cứ vào thành phần, nội dung, tính chất công việc thi công và biện pháp thi công được duyệt để tính toán áp dụng định mức tính khấu hao vật liệu cho phù hợp, áp định mức, áp giá vật liệu một số hạng mục công trình còn sai sót và không đúng quy định, tính sai cự ly vận chuyển vật liệu và một số sai sót khác nêu trong Báo cáo kết quả thanh tra làm tăng giá gói thầu gần 45 tỷ đồng tại hai dự án thanh tra.
Lập hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với dự toán được duyệt…; thực hiện chưa đúng các quy định về lập hồ sơ quản lý chất lượng thi công công trình; tính toán sai khối lượng do áp nhầm hệ số chuyển đổi đất đào sang đất đắp, khối lượng bê tông chưa trừ thể tích con kê chiếm chỗ, ẫn đến nghiệm thu, thanh toán sai tổng số tiền là hơn 4,7 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu, xử lý về mặt hành chính đối với Tổng công ty Cảng Hàng không miền Trung (nay là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam), Ban quản lý dự án công trình kéo dài và nâng cấp đường CHC 35R/17L và Ban quản lý dự án ga Đà Nẵng, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhà thầu thi công.
Các đơn vị trên phải tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc Tổng công ty quản lý có liên quan đến các sai sót; chỉ đạo Ban Quản lý dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại dự toán xây dựng (giá gói thầu), đảm bảo đúng giá trị thực của các công trình làm cơ sở để thanh quyết toán theo đúng quy định.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo phụ trách, Chủ nhiệm đồ án, Chủ trì thiết kế, Tư vấn giám sát trưởng, các giám sát viên và các cá nhân để xảy ra các sai sót theo các nội dung đã kết luận.
Về mặt tài chính, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam có trách nhiệm, phê duyệt điều chỉnh dự toán xây dựng công trình các gói thầu do lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định số tiền gần 45 tỷ đồng để làm cơ sở thanh, quyết toán công trình; Giảm trừ trong đợt thanh toán tiếp theo số tiền hơn 4,7 tỷ đồng do nghiệm thu, thanh toán chưa đúng quy định; Đối với hạng mục bê tông nhựa, căn cứ vào hàm lượng nhựa thực tế thi công của các nhà thầu để làm cơ sở thanh, quyết toán và điều chỉnh giá cho mỗi gói thầu.
Dự án "Xây dựng nhà ga hành khách quốc tế - Sân bay Đà Nẵng” khởi công ngày 15/11/2015 và khánh thành vào ngày 19/5/2017.
Gồm 3 hạng mục chính: Nhà ga hành khách quốc tế, cầu vượt trước nhà ga và sân đỗ ô tô với tổng mức đầu tư hơn 3.500 tỉ đồng từ nguồn vốn góp của chủ sở hữu và vốn vay thương mại từ ngân hàng BIDV và Viettinbank.
Hạng mục nhà ga quốc tế được xây dựng trên khuôn viên đất 21.000 m2 với diện tích sàn xây dựng 48.000 m2.
Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt, có 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tầu bay.
Nhà ga được thiết kế công suất 4 – 6 triệu hành khách/năm. Nhà ga hiện hữu sẽ trở thành nhà ga nội địa đảm bảo đúng quy hoạch phát triển sân bay Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
|
Theo Pháp Luật Plus