Sự kiện hot
13 năm trước

Chiến lược ngắn hạn không thích hợp lúc này

Theo một số CTCK, các dấu hiệu tiêu cực cho thấy thị trường đang không thích hợp với các chiến lược ngắn hạn.

Theo một số CTCK, các dấu hiệu tiêu cực cho thấy thị trường đang không thích hợp với các chiến lược ngắn hạn.

Lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 30/3.

Khả năng xảy ra 1 xu hướng điều chỉnh sâu

(CTCK BIDV - BSC)

Mặc dù giằng co trong phiên buổi sáng, thị trường đã có sự sụt giảm rất mạnh trong phiên buổi chiều. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index mất 6,69 điểm (-1,5 %) xuống 439,63 điểm; HNX-Index giảm mạnh 2,33 điểm (-3,08%) xuống 73,2 điểm.

Khối lượng trên 2 sàn giảm nhẹ so với phiên trước với 74 triệu đơn vị trên HOSE  và 96 triệu trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn giảm xuống mức 2 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn với 35 tỷ trên HSX và gần 47,5 tỷ trên HNX.

Đúng như dự báo trong báo cáo trước, thị trường đã tiếp tục điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch 29/3. Cùng với phiên giảm điểm hôm 27/03, phiên mất điểm mạnh ngày 29/3 tiếp tục đưa ra tín hiệu báo hiệu về khả năng xảy ra 1 xu hướng điều chỉnh sâu trong thời gian tới.

Phiên tới, mức hỗ trợ 73 điểm vẫn có thể phát huy tác dụng giúp thị trường hồi phục nhẹ trở lại, tuy nhiên nếu mất mốc hỗ trợ này, chúng tôi không loại trừ khả năng thị trường có thể xuống mức 69 điểm (đường neckline của mô hình 2 đỉnh). Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giải ngân vào giai đoạn này.

Vẫn có thể xuất hiện các phiên phục hồi

(CTCK Chợ Lớn - CLSC)

Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số đồng loạt giảm điểm trở lại chỉ sau một phiên tăng duy nhất với KLGD tiếp tục sụt giảm (164.18 triệu cp so với 178.55 triệu cp trong phiên giao dịch trước).

Theo đó, KLGD khớp lệnh giảm 6,9% trên HOSE và 8,9% trên HNX. Điều này cho thấy giai đoạn bán tháo vẫn chưa thực sự xảy ra. Trong phiên cuối tuần, thị trường có mức chống đỡ yếu tại 437 điểm (VNI) và 73 điểm (HNX), các mức điểm tương ứng với vạch Fibo Retra 23.6% của đợt tăng kéo dài từ ngày 09/01.

Chúng tôi cho rằng, vẫn có thể xuất hiện các phiên phục hồi mang tính chất Bulltrap nhưng xu hướng chính của thị trường vẫn đang là giảm điểm.

Trên đồ thị candlestick, ngày 29/3 cả VNI và HNX đều hình thành những cây nến củng cố xu hướng giảm là Long Black (HNX) và Black Marubozu (VNI). Tín hiệu phân kỳ giữa RSI (14) với giá đóng cửa của HNX vẫn đang tồn tại. MACD và Stochastic đang cùng cho tín hiệu bán trên cả 2 chỉ số. Trong ngắn hạn, HNX-Index được chống đỡ tại vùng giá 69-70 điểm. VN-Index cũng được chống đỡ tại 425-430 điểm.

Phiên quyết định xu hướng ngắn hạn của thị trường

(CTCK Dầu khí - PSI)

Về mặt kĩ thuật, chỉ số hai sàn đã ở sát ngưỡng giới hạn xu thế tăng hiện hữu, cụ thể là đường EMA (25) cho biết ngưỡng 435 điểm là hỗ trợ với VN-Index là 72 điểm đóng vai trò là hỗ trợ với HNX-Index.

Thanh khoản thị trường không bị sụt giảm đột ngột cho thấy nền tảng dòng tiền trong thị trường hiện đã có sự ổn định nhất định. Tuy nhiên, phiên sắp tới sẽ là phiên quyết định xu thế ngắn hạn của thị trường.

Như đã phân tích trước đó, nếu giảm phá vỡ hỗ trợ thì xu hướng ngắn hạn của chỉ số 2 sàn có thể chuyển sang trạng thái dao động mà khoảng dao động có thể sẽ khá rộng (420 – 440 điểm với VN-Index và 66 – 80 điểm với HNX-Index). Ngược lại, nếu chỉ số có sự đảo chiều tăng trở lại tại hỗ trợ thì khả năng tăng tiếp cũng có thể sẽ diễn ra.

Chiến lược ngắn hạn không thích hợp lúc này

(CTCK ACB - ACBS)

Mặc dù mở cửa với một gap-up, nhưng lực mua mạnh không được duy trì khiến VN-Index giao dịch giằng co. Sang qua nửa cuối phiên giao dịch, nhà đầu tư bắt đầu gia tăng áp lực bán, kéo VN-Index lao dốc và đóng cửa giảm khá mạnh ngày hôm qua.

Khối lượng giao dịch thấp, cho thấy lực cầu yếu. Đóng cửa ở mức 439,36, VN-Index đang giao dịch ở sát đường xu hướng tăng nối 2 đáy 391 và 423 và đường trung bình 20 ngày. Đây là vùng kháng cự động nên có thể hỗ trợ VN-Index trong các phiên tới.

Nếu tăng, VN-Index có thể phục hồi về đỉnh trước ở 469. Ở chiều ngược lại, nếu cắt xuống dưới các đường kỹ thuật nói trên, VN-Index nhiều khả năng sẽ kết thúc xu hướng tăng ngắn hạn hiện tại. Sự phân kỳ của chỉ báo RSI(14) cũng củng cố khả năng này. Theo đó, VN-Index có thể giảm về vùng hỗ trợ 415-425 hoặc xa hơn là 380-390.

HNX-Index cũng có phiên giảm mạnh ngày hôm qua. Hiện chỉ số này đang giao dịch ở vùng hỗ trợ 72-73, là mức Fibonacci 23,6%, đường xu hướng tăng nối 2 đáy 59 và 69 và đường trung bình 20 ngày.

Tương tự VN-Index, HNX-Index đang ở vùng hỗ trợ quan trọng mà nếu bị xuyên thủng sẽ dẫn tới các thay đổi tiêu cực về mặt kỹ thuật đối với chỉ số HNx-Index.

Các dấu hiệu tiêu cực cho thấy thị trường đang không thích hợp với các chiến lược ngắn hạn. Tuy nhiên, ở bức tranh lớn hơn, các sóng điều chỉnh sẽ là cơ hội tốt cho nhà đầu tư dài hạn tiếp tục tích lũy. 

Sẽ lại tái diễn kịch bản giằng co

(CTCK Vietcombank – VCBS)

Chỉ sau một phiên hồi phục nhẹ ngắn ngủi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lại ngập chìm trong sắc đỏ, đóng cửa cả HNX và VN Index đều sụt giảm đáng kể.

Trong hầu hết đợt giao dịch buổi sáng, thị trường giao dịch trong trạng thái giằng co một cách lình xình và trầm lắng khá ảm đạm. Các nhà đầu tư đều bị đè nặng bởi tâm lý thận trọng và thiên về chờ đợi khi mà thị trường chưa có thông tin mới mang tính hỗ trợ.

Trong đợt giao dịch buổi chiều, thị trường bất ngờ chuyển biến xấu đi, bên bán bất ngờ mạnh tay dâng cao áp lực cung, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng nóng gần đây, trong khi đó các cổ phiếu trụ cột cũng hầu hết suy yếu khi không có sự ủng hộ của lực cầu, hai chỉ số chính theo đó cũng lao dốc.

Tính thanh khoản của thị trường sụt giảm đáng kể so với các phiên giao dịch gần đây, ảnh hưởng từ sự thận trọng và dè dặt của các nhà đầu tư được thể hiện khá rõ, mặc dù vậy tính thanh khoản hiện vẫn đang ở mức tương đối cao.

Có thể thấy xu hướng của thị trường lúc này không thực sự rõ ràng, do đó các nhà đầu tư nên duy trì thái độ cẩn trọng, hạn chế dò đáy và giữ một tỷ lệ tiền mặt cao trong danh mục.

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, nếu không có thông tin hỗ trợ đáng chú ý nào thì nhiều khả năng thị trường sẽ lại tái diễn kịch bản giằng co đi ngang một cách lình xình.

Tránh mở các vị thế mua mới

(CTCK Kim Eng - KEVS)

Bên bán chiếm ưu thế trên cả hai sàn, đẩy hai chỉ số chứng khoán giảm điểm mạnh. Thị trường có tới 421 mã giảm điểm so với chỉ 124 mã tăng.

Phiên giảm điểm làm các tín hiệu kỹ thuật đưa ra nhiều tín hiệu cảnh báo đồng thời. Khối lượng giao dịch cũng giảm sút rõ rệt.

Các nhà đầu tư nên thận trọng tại khu vực hiện tại, khi VN-Index có hai thanh bar giảm giá dài gần nhau. Sau khi vượt kháng cự bất thành, tín hiệu bán mạnh mẽ hơn thì chiến lược thận trọng hơn, tránh mở các vị thế mua mới là cần thiết.

Nên chú trọng tới mức dừng lỗ đối với danh mục hiện có.  Trong xu hướng ngắn hạn, chúng tôi giữ cái nhìn trung tính đối với VN-Index…

Không nên nóng vội giải ngân

(CTCK VNDirect – VNDS)

Lực cầu thoái lui dần trong phiên 29/3 đẩy các cổ phiếu về giá sàn. Đồ thị index và hầu hết các cổ phiếu đều xuất hiện nến đen dài với đóng cửa thấp hơn cả mức giá thấp nhất ngày 28/3. Chỉ với 3 phiên điều chỉnh HNXINDEX đã lấy đi thành quả của cả tuần trước tăng điểm, mức giá đóng cửa chính thức xuống dưới MA 20 ngày.

Trong hai nhịp điều chỉnh vào giữa tháng 2 và tháng 3, thị trường về đến MA 20 ngày đều bật lại, nhưng tại các thời điểm đó thanh khoản co hẹp rõ rệt, trái ngược với giai đoạn này khối lượng giao dịch vẫn đạt mức cao tương đương các phiên ở vùng đỉnh tuần trước. Điều đó cho thấy xu hướng bán ra đang mạnh hơn, vì vậy nhịp điều chỉnh này có thể sẽ không thể giải quyết nhanh giống như hồi giữa tháng 3.
Nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên giữ tiền mặt. Việc nắm giữ cổ phiếu nếu có, chỉ hướng đến các mã trên HSX với tỷ lệ 20 – 30%. Vượt qua đợt điều chỉnh này cơ hội của thị trường còn rất dài, nhà đầu tư không nên nóng vội giải ngân.

Không nên mua vào

(CTCK FPT - FPTS)

Nhìn chung, diễn biến thị trường phiên này mang nhiều tín hiệu tiêu cực đối với xu thế của VN-Index trong những phiên tới. Dòng tiền có dấu hiệu suy yếu bởi tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư kéo thanh khoản thị trường thoái lúi theo chiều giá xuống.

Mặt khác, lực đỡ từ nhóm các cổ phiếu lớn cũng không còn hiện diện cùng với sự thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực đã khiến cho mọi nỗ lực hồi phục trong phiên của chỉ số đều nhanh chóng bị dập tắt.

Áp lực bán đột ngột tăng mạnh trong buổi chiều giao dịch đã kéo theo hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, đẩy VN-Index giảm mạnh về mức 439,63 điểm, ngưỡng hỗ trợ tại 440 điểm tiếp tục bị phá vỡ.

Trong những phiên giao dịch tới, nhiều khả năng chỉ số sẽ tái diễn xu hướng đi xuống do nhịp điều chỉnh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Thị trường sẽ tiếp tục nhận được sự nâng đỡ quạnh ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 430 điểm nhưng nếu ngưỡng hỗ trợ này bị phá vỡ thì mô hình hai đỉnh ngắn hạn của VN-Index sẽ được hình thành.

Trong bối cảnh xu thế của VN-Index vẫn chưa thực sự rõ ràng, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát những diễn biến tiếp theo của thị trường và không nên mua vào ở thời điểm hiện tại.

Rủi ro tăng cung

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Sau diễn biến giằng co liên tục trong nhiều phiên vừa, người mua có vẻ đang trở về với thế thận trọng. Lực cầu không mạnh dạn gia nhập thị trường khiến các nỗ lực duy trì sự tăng điểm của VN-Index gặp thất bại. Phiên 29/3, các chỉ số đóng cửa với số điểm gần như thấp nhất và thanh khoản suy giảm chủ yếu do cầu yếu đang là mối lo ngại mới đối với thị trường.

Có thể thấy đến thời điểm hiện tại, các thông tin hỗ trợ sự phục hồi của thị trường đã phản ánh hoàn toàn vào giá. Trong khi đó, thị trường đang đối diện với trở ngại mới là rủi ro tăng cung. Rủi ro này đến từ 2 nguyên do:

(1) Đợt tăng điểm mạnh và dài vừa qua khiến nhiều CTCK cho vay margin cao hơn mức cho phép của UBCK. Và những ngày gần đây xuất hiện khá nhiều đồn đoán về áp lực bán giải chấp để đưa tỷ lệ margin về đúng mức quy định, đối phó với việc thanh tra của UBCK.

Bất kể đây là thông tin chính xác hay không nhưng nếu thị trường tiếp tục diễn biến không thuận lợi, những lo ngại này sẽ khiến áp lực bán tháo tăng mạnh và ảnh hưởng tiêu cực hơn đến điểm số thị trường. Trong ngắn hạn, đây là rủi ro chúng tôi lo ngại nhiều hơn.

(2) Đại hội Nhà đầu tư thường niên của ba quỹ đóng có chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HSX đã liên tiếp diễn ra vào cuối tháng 3/2012. Trong số này, chỉ có VFMVF4 được Nhà đầu tư thông qua chủ trương chuyển đổi thành Quỹ mở trước khi hết hạn hoạt động trong khi NĐT của VFMVF1 không thông qua và PRUBF1 không có chủ trương này. Điểm tương đồng của VF1 và BF1 là thời hạn hoạt động còn khá ngắn (VF1 còn khoảng 2 năm và BF1 còn hơn 1 năm) và trong bối cảnh thị trường chưa thực sự thuận lợi, rõ ràng việc thoái vốn là lựa chọn được NĐT của hai Quỹ này chọn lựa. Mặc dù không đại diện cho tất cả, nhưng biểu hiện ở VF1 và BF1 cho thấy có vẻ như lựa chọn của các Quỹ sắp hết thời hạn hoạt động sẽ là thoái vốn hơn là chuyển đổi mô hình hoạt động. Nếu như suy đoán của chúng tôi là đúng, thì nguồn cung cổ phiếu chờ bán ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, với thời hạn còn khoảng từ một đến hai năm thì các Quỹ sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn thời điểm bán dần danh mục, giảm bớt áp lực lên thị trường.

Theo DTCK

Từ khóa: