17 năm trước, ông Điền chi 3,5 tỷ đồng mua 6.000 m2 đất nông nghiệp ở khu Đông TP HCM, nay cơ ngơi bán được 16 tỷ.
Năm 2000, khi vung tiền tỷ mua khu đất vườn ở quận 9, ông Điền bị dèm pha là kẻ đốt tiền vì mua đất chỉ để đào ao thả cá, nuôi gà, trồng dăm ba loại cây ăn quả cho doanh thu bèo bọt. Còn căn nhà 150m2 xây kiểu thôn quê mỗi tháng về chơi không quá vài ba ngày.
“Khi đó, giao thông về hướng quận 9 còn khó khăn, lầy lội, phải mất thêm tiền thuê người giữ vườn nên anh em họ hàng mắng tôi chơi ngông và tiêu hoang. Nhưng tôi quyết mua khu đất này làm của để dành, xem như kênh đầu tư dài hạn”, ông Điền nhớ lại.
7 năm sau (tức năm 2007), khu đất của ông Điền được khách ngã giá 7,5 tỷ đồng, nhưng ông vẫn quyến luyến mảnh vườn nhiều năm vun đắp nên giữ lại. Trong các năm 2015-2016, nhiều đầu nậu săn đất ồ ạt đổ về quận 9. Khu đất của ông Điền được nhiều người hỏi mua, giá cứ nhích dần lên 10 rồi 13 tỷ đồng nhưng ông từ chối sang nhượng.
Mãi đến quý I/2017, một nhà đầu tư ngã giá 16 tỷ đồng, lần này chủ đất mới đồng ý tiến hành giao dịch. Sau 17 năm ôm đất để dành, trừ đi tiền mua đất 3,5 tỷ đồng cộng thêm các chi phí làm hàng rào, san lấp toàn khu, làm nhà và trả công người giữ đất (khoảng gần 2 tỷ), ông Điền nhẩm tính lãi ròng trên chục tỷ đồng. “Nếu ngày xưa tôi dùng số tiền này mua vàng hay gửi tiết kiệm, cũng kiếm được lãi kha khá nhưng khó mà tích cóp dần thành 16 tỷ đồng như hiện nay”, nhà đầu tư này tính toán.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân đã vung tiền tỷ gom đất tại TP HCM, tích lũy trong thời gian dài để tìm kiếm cơ hội sinh lời cả chục tỷ đồng. Ảnh: Vũ Lê
Cũng là tay chơi thạo nghề săn đất để dành, ông Bằng chọn khu Nam Sài Gòn. Gia đình ông ngược về Nhà Bè và Cần Giờ, "đồng vợ đồng chồng" liên tục thu gom bất động sản ở hai địa bàn này. Từ năm 2003, gia đình ông Bằng gom tổng cộng 2.000 m2 đất nông nghiệp tại huyện Nhà Bè (đoạn gần thị trấn Nhà Bè và phà Bình Khánh) cùng 5.200 m2 nhà đất mặt tiền biển tại huyện đảo Cần Giờ.
Thời điểm đó, nhà đầu tư này đã chi 7,5 tỷ đồng để tích lũy quỹ đất 7.000m2 (trong đó vừa có đất thổ cư, biệt thự, nhà cấp bốn, đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) và quyết không bán ra dù có lúc thiếu tiền. Vợ chồng ông Bằng bỏ ngoài tai mỗi khi có khách nài nỉ chia lại một phần đất. Trong cơn sốt đất diễn ra tháng 4/2017, ông Bằng bán bớt căn biệt thự sân vườn 2.700 m2 tại xã Cần Thạnh, thuộc huyện đảo Cần Giờ, thu về gần 14 tỷ đồng.
“Tôi vẫn chưa vội xả hết hàng, chỉ đẩy trước căn biệt thự để thăm dò thị trường nhưng đã chốt lời 7 tỷ đồng. Quỹ đất còn lại gia đình cân nhắc làm nhà trọ hoặc khách sạn mini trong vài năm tới khi hạ tầng Cần Giờ và Nhà Bè hoàn thiện hơn”, ông Bằng cho hay.
Làm cò và chạy pháp lý nhà đất chuyên địa bàn quận Tân Phú và Bình Tân (khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa) từ năm 2005, bà Bảo sớm nhận ra cơ hội kiếm lời tiền tỷ nếu chịu khó mua đất để dành. Nhà đầu tư này đã tích cực thu gom, ky cóp được 4 lô đất (ngang 5-7m dài 20-25m) trên đường Bờ Bao Tân Thắng và Lê Trọng Tấn. Tổng vốn đầu tư của bà Bảo lên đến 8 tỷ đồng cách đây hơn một thập niên.
“Vào tháng 5/2017 các lô đất của tôi được khách hỏi mua thấp nhất 3,5 tỷ đồng một nền nhỏ và cao nhất 5,5 tỷ đồng một nền lớn. Tổng giá trị tài sản từ 8 tỷ đồng nay đã đạt 17 tỷ đồng, nhưng tôi vẫn chưa bán vì còn kỳ vọng tăng giá”, bà Bảo tiết lộ.
Nhiều năm làm công tác nghiên cứu thị trường bất động sản, Giảng viên khoa Thương mại - Du lịch - Marketing thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá: "Chiêu săn đất để dành được xem là hình thức đầu cơ bất động sản phổ biến đối với đại đa số người Việt".
Kiểu “ôm đất chờ thời” này đã giúp không ít người từ hạng nhà giàu dăm ba tỷ đồng vụt thành đại gia hay triệu phú đôla. Với nhà đầu tư cá nhân, đây là cuộc chơi của tầng lớp trung lưu mới nổi hoặc giới nhà giàu, thừa tiền tỷ nhàn rỗi nên đổ vào đất, kỳ vọng lãi chục tỷ được xem là bình thường.
Riêng với nhà đầu tư tổ chức (doanh nghiệp), săn đất để dành là cuộc chiến khốc liệt để sống còn. Một khi doanh nghiệp gom đất thắng lớn, mức lãi có thể lên đến bạc trăm tỷ thậm chí nghìn tỷ tùy quy mô quỹ đất trung bình hay cực lớn.
Theo ông Nghĩa, điểm yếu của kiểu đầu tư ôm đất để dành nằm ở chỗ ai cũng kỳ vọng lợi nhuận khủng. Một khi kỳ vọng càng cao thì thời gian chôn tiền vào đất càng dài, dòng tiền của xã hội nằm thụ động trong đất, không tham gia vào sản xuất kinh doanh. Chôn tiền trong đất còn đòi hỏi nhà đầu tư phải trường vốn, không dùng đòn bẩy tài chính, chấp nhận rủi ro nếu thay đổi chính sách (cụ thể là thay đổi quy hoạch) và phụ thuộc vào chu kỳ tăng trưởng đầy bất định (vô cùng khó đoán) của thị trường bất động sản.
“Không ai biết chắc lúc nào thị trường địa ốc nóng sốt và khi nào khủng hoảng vì mọi dự báo đều mang tính tương đối. Yếu tố bất định này buộc nhà đầu tư ôm đất để dành cần phải chịu đựng và vượt qua được những cơn suy thoái thì mới có thể hái quả ngọt”, ông Nghĩa phân tích.
Ngoài ra, chuyên gia này nhấn mạnh thêm, tác động tiêu cực của xu hướng săn đất để dành chính là cách đầu tư này đã khiến cho áp lực tăng giá đất ngày càng lớn, tạo sự khan hiếm nguồn đất sạch dự trữ cho thị trường. Chi phí cho quỹ đất không ngừng bị đẩy lên dẫn đến nguy cơ sốt đất ảo và sớm muộn sẽ đẩy giá nhà ở đô thị ngày càng lên cao, xa tầm với của đại đa số người dân.
Vũ Lê
Theo VnExpress