Sự kiện hot
6 năm trước

Chiêu trò biến “đất vàng” công nghiệp thành khách sạn 5 sao của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Từ khu “đất vàng” gần Hồ Gươm được Thành phố Hà Nội cho thuê lại, sau nhiều lần xin điều chỉnh mục đích sử dụng và chiều cao của công trình, đến nay Tân Hoàng Minh vẫn chưa thể xây dựng một khách sạn 5 sao như ý muốn.

Tiền trảm hậu tấu, làm xiếc quy hoạch

Một trong những khu “đất vàng” công nghiệp trong nội đô mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh thâu tóm với dự định sẽ triển khai cao ốc phải kể đến vị trí khu đất có 2 mặt tiền là 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm).

Theo tài liệu PV Báo Gia đình & Xã hội có được, tháng 7/2011, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 4.072,9 m2 đất tại vị trí nói trên giao cho Công ty cổ phần Thời đại mới T&T (thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh) xây dựng dự án trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư.

Trong diện tích trên có hơn 3.600 m2 của Xí nghiệp Nhựa Hà Nội đã được di dời và hơn 300 m2 đất ở liên quan tới 17 hộ dân.

Dự án đặc biệt thu hút dư luận thời điểm đó khi một số hộ dân trong phạm vi dự án yêu cầu được đền bù mức kỷ lục - 1 tỷ đồng/m2.

Khu "đất vàng" công nghiệp có 2 mặt tiền tại 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng. Ảnh: PV

Tuy vậy, đã nhiều năm ròng, khu đất dự án này vẫn “án binh bất động” do liên tục được chủ đầu tư đưa ra đề xuất xin điều chỉnh chức năng và chiều cao công trình.

Theo đó, tháng 8/2013, chủ đầu tư Tân Hoàng Minh chính thức làm lễ động thổ dự án D’.San Raffles nằm trên diện tích khu đất nói trên. Khi đó, trên website chính thức của tập đoàn này, dự án San Raffles có 6 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tầng mái, tổng diện tích sàn xây dựng trên 40.000 m2.

Đến tháng 10/2014, Công ty cổ phần thời đại mới T&T mới bất ngờ có văn bản trình Thủ tướng đề xuất cho phép tăng chiều cao của công trình ban đầu từ 8 tầng lên 15 tầng và 1 tầng mái. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đề xuất này cho UBND Thành phố Hà Nội xem xét, giải quyết.

Tháng 2/2015, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản trình Thủ tướng chính phủ với nội dung cụ thể: Việc xây dựng công trình cao trên 9 tầng tại đây phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép, quy mô công trình sẽ được nghiên cứu xem xét trên cơ sở đảm bảo hài hòa, không gây đột biến lớn về chiều cao với không gian cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận.

Đặc biệt “Hạn chế tối đa việc chất tải lên cơ sở hạ tầng và tăng quy mô dân số”, văn bản này ghi rõ.

Một mặt tiền 25 – 27 Hai Bà Trưng.

Tháng 7/2015, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao UBND Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, thống nhất chiều cao công trình với dự án của Tân Hoàng Minh.

Sau đó, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức lấy ý kiến góp ý của Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Thành phố để có cơ sở đề xuất quy hoạch kiến trúc công trình.

Ngay trong quá trình cơ quan chức năng nghiên cứu, chủ đầu tư Tân Hoàng Minh lại bất ngờ đề nghị được điều chỉnh chức năng công trình từ “Thương mại, văn phòng và nhà ở” sang chức năng “Thương mại, khách sạn”.

Cùng với đó, tập đoàn này cũng đề xuất xây dựng 2 khối nhà cao 12 tầng. Thậm chí khi đó, Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Thành phố Hà Nội đã có thông báo cơ bản đồng tình với đề xuất này.

Tuy vậy, tháng 8/2016, thông tin từ phiên chất vấn của HĐND TP Hà nội cho biết, chủ đầu tư Tân Hoàng Minh xin xây công trình 12 tầng tại 22 – 24 Hàng Bài nhưng thành phố kiên quyết không chấp thuận. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay, khu đất này sẽ được chuyển đổi thành khách sạn 5 sao chứ không phải chung cư.

Xin xây cao 12 tầng không thành, chủ đầu tư là tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có văn bản đồng ý xây dựng theo phương án cũ đã được phê duyệt là 8 tầng.

Và một mặt tiền tại 22 – 24 Hàng Bài

Tháng 9/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ra thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án nêu trên. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá về quy hoạch của dự án nhằm đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dùng đất dự án làm bãi giữ xe trái phép

Mới đây, 6/3/2018, Công ty cổ phần Thời đại mới T&T tiếp tục có văn bản báo cáo đến UBND quận Hoàn Kiếm về dự án nói trên. Theo đó, tiếp thu chỉ đạo của Chính phủ tại thông báo ngày 1/9/2017, chủ đầu tư cho biết đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh phương án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Báo cáo này cũng chỉ ra: “Hiện chủ đầu tư đang quây tôn bảo vệ, quản lý sử dụng đất đúng mục đích được giao và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của dự án”.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình và Xã hội, khu đất thuộc dự án này đã được dùng làm bãi đỗ xe ô tô từ nhiều năm nay.

Đất dự án bị trưng dụng làm bãi đỗ xe nhiều năm nay.

Trong bãi đỗ xe này luôn có số lượng 2 – 3 bảo vệ thay phiên nhau trông giữ không kể ngày đêm, trong đó có một bảo vệ do phía chủ đầu tư cử xuống để giám sát.

Điều đặc biệt, bãi xe này hoạt động rất bí ẩn. Chỉ mở cổng khi có xe đến và xe đi, hạn chế nhận xe của khách lạ, thậm chí bảo vệ còn có dấu hiệu dọa dẫm, xua đuổi những người lạ mặt nếu đi vào khu vực bãi xe. Chỉ những người quen, gửi theo tháng mới có lốt tại bãi xe này. Theo ghi nhận của PV trong nhiều ngày, hiện tại bãi đỗ xe này đang trông giữ hàng chục chiếc ô tô con theo tháng với mức phí hàng triệu đồng/ tháng.

“Khi thu hồi đất thì ráo riết, cấp kíp từng ngày, khi có đất rồi lại chầy ì không triển khai dự án rồi giờ lại làm bãi đỗ xe”, một người dân sống tại khu vực này bức xúc.

Được biết, đây là bãi xe tự phát khi không có quyết định của Sở GTVT Hà Nội hay quận Hoàn Kiếm cho phép được trông giữ xe.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đỗ Phương – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàn Kiếm tái khẳng định: “Không ai được làm bãi đỗ xe trong đất dự án cả. Đây là bãi đỗ xe không phép”.

Về việc dư luận đặt câu hỏi tại sao dự án đã bỏ hoang nhiều năm nhưng không bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật, ông Lê Đỗ Phương cho biết: “Dự án này đang trong quá trình xin điều chỉnh mục đích sử dụng và chiều cao công trình chứ không phải dự án bỏ hoang nên không thuộc diện bị thu hồi”.

Bên trong cỏ dại ngút ngàn.

Cũng theo vị trưởng phòng TNMT, doanh nghiệp làm dự án ắt hẳn ai cũng muốn mở rộng quy mô, chiều cao để đạt hiệu quả kinh doanh tối đa nhưng trong khu đất nội đô trung tâm, mật độ dân số cao... thì không dễ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện việc này.

Nhiễu loạn thông tin dự án

Trong vai 1 khách hàng của phân khúc bất động sản cao cấp, chúng tôi được một nhân viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết: “Dự án 22 – 24 Hàng Bài đang trong quá trình đấu tranh, xin giấy phép để được xây chung cư cao cấp. Nếu thuận lợi thì có thể cuối năm nay, hoặc đầu sang năm sẽ triển khai. Dự kiến giá bán khoảng 200 triệu đồng/ m2.

Nếu không xin được giấy phép xây chung cư cao cấp sẽ xây khách sạn theo quy hoạch của T.P Hà Nội nhưng làm theo mô hình căn hộ khách sạn được sở hữu trong 50 năm”.

Những thông tin quảng cáo về dự án.

Trong khi đó, trên nhiều trang web giới thiệu về các dự án bất động sản khu đất 2 mặt tiền 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng vẫn được giới thiệu, chào bán với những mỹ từ đầy mời gọi cùng với đó là những thông tin vô cùng nhiễu loạn.

“Với tổ hợp căn hộ chung cư hạng sang, văn phòng cao cấp và trung tâm thương mại cao đến 16 tầng (11 tầng nổi và 5 tầng hầm), chỉ cách hồ Gươm 100m. Dự án D'. San Raffles - Hàng Bài, Hai Bà Trưng sẽ làm mưa làm gió trên thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung”, một trang môi giới bất động sản quảng cáo.

Một trang môi giới bất động sản khác lại khẳng định dự án này sẽ có 14 tầng (9 tầng nổi và 5 tầng hầm) với quy mô dự án là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại và căn hộ hạng sang.

Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về dự án này.

Theo Gia đình.net

Từ khóa: