Tại cuộc họp về phát triển điện mặt trời mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải nghiên cứu cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời. Vấn đề này đã trở thành một nội dung quan trọng được bàn thảo tại Hội thảo quốc tế: “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách tới thực tiễn”, diễn ra ngày 27/11, tại Hà Nội.
Cần đấu thầu phát triển các dự án điện tái tạo
Ông Đỗ Đức Quân, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, đấu thầu phát triển các dự án điện mặt trời là đương nhiên, bởi đây là hình thức lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch, công bằng nhất, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế có thể tham gia được. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất quy trình thủ tục đấu thầu để triển khai dự án điện mặt trời. “Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ đang được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á hỗ trợ xây dựng cơ chế này”, ông Quân cho hay.
Ủng hộ chủ trương đấu thầu phát triển các dự án điện mặt trời trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung điện ngay trước mắt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh: “Đấu thầu phát triển dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời là rất cần thiết”. Theo ông Ngãi, chúng ta đã có Luật Đấu thầu, hiện chỉ cần sớm xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển các dự án điện mặt trời. Do đó, cần khẩn trương thực hiện được các dự án thí điểm trong năm 2019 - 2020 để sang năm 2021 tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Bên lề Hội thảo, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc FSI cũng bày tỏ, đấu thầu phát triển dự án điện sẽ tạo ra sự minh bạch, rõ ràng, công bằng đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án. Đấu thầu sẽ giúp sàng lọc được những đơn vị không chuyên nghiệp, năng lực yếu kém. Trên cơ sở đó, ông Quân đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển dự án điện mặt trời.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Hà Đô Ninh Thuận bổ sung, khi đấu thầu cạnh tranh, những nhà đầu tư có năng lực thực sự sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án và đây cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự thành công của dự án điện. Bởi theo ông Vinh, thực tế đầu tư nguồn điện mặt trời đang thu hút nhiều nhà đầu tư, nhưng thực sự đó có phải là nhà đầu tư có năng lực hay không vẫn khó kiểm soát.
Theo WB, hiện trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia áp dụng cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời và thành công với việc đưa ra giá điện cạnh tranh. Campuchia cũng đã áp dụng cơ chế này và hiện mức giá bán điện mặt trời của nước này đang thấp nhất khu vực ASEAN, chỉ hơn 3,8 US cent/kWh (chưa tới một nửa mức giá của VN đưa ra trước tháng 7/2019 là 9,35 US cent/kWh).
Bao giờ Việt Nam có cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời?
Thông tin về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nêu trên, ông Quân cho hay, với sự hỗ trợ của các tư vấn quốc tế, Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế để đấu thầu thành công các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.
“Theo dự kiến trước đó, ngay sau khi cơ chế giá FIT kết thúc, năm 2021, chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi phát triển các dự án điện mặt trời. Và từ nay đến đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tổ chức đấu thầu thí điểm một số dự án. Tuy nhiên, sau chỉ đạo của Thủ tướng mới đây, hiện chúng tôi đang đẩy nhanh hơn công tác này để có thể sớm triển khai”, Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.
Cũng theo ông Quân, hiện tư vấn đã hoàn thành 2 báo cáo về lộ trình thực hiện đấu thầu và cơ chế đấu thầu dự án điện mặt trời. Về cơ chế đấu thầu, tư vấn đề xuất 2 hình thức thực hiện. Một là phương án đấu thầu theo trạm biến áp, đó là tại một khu vực có trạm biến áp vẫn còn đủ dung lượng để truyền tải công suất lên hệ thống thì có thể đấu thầu chọn dự án có giá thấp nhất, đảm bảo quy mô công suất tính toán. Hai là, giải phóng mặt bằng sạch, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào làm một phần hoặc toàn bộ dự án… “Bộ Công Thương đang nghiên cứu các đề xuất này xem có phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam không, có cần điều chỉnh hay ban hành bổ sung quy định gì không… để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét”, ông Quân thông tin.
Để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, ông Ngãi lưu ý mấy điểm. Trước hết là chú trọng công tác lập hồ sơ mời thầu (HSMT). Quá trình lập phải tính công suất điện chính xác. Trên cơ sở đó có thể xác định được quy mô 1 ha ra được bao nhiêu MW điện, từ đó tính ra được tổng thu nhập của nhà đầu tư, suất đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thu hồi vốn… Như vậy mới có một HSMT hoàn chỉnh, đưa ra giá chào thầu hợp lý để thu hút nhà đầu tư tham gia. “Đây là việc cực kỳ quan trọng, nếu không làm được sẽ không có cách gì có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực”, ông Ngãi khuyến nghị.
Việt Anh
Theo Báo Đấu thầu
https://baodauthau.vn/dau-thau/cho-co-che-dau-thau-phat-trien-du-an-dien-mat-troi-116289.html