Sự kiện hot
11 năm trước

Chống buôn lậu xăng dầu: Không phải nhiệm vụ của Bộ Công Thương(?)

Đây là phát biểu của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này diễn ra tại Hà Nội, hôm qua (1.4).

Đây là phát biểu của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ này diễn ra tại Hà Nội, hôm 1.4.

Ông Đỗ Thanh Lam-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, việc chống buôn lậu xăng dầu hiện nay phối hợp giữa các bộ, ngành, trong đó Cục Quản lý thị trường chỉ làm nhiệm vụ chống buôn lậu trên thị trường nội địa chứ không bắt giữ được các vụ buôn lậu xăng dầu trên biển và ở biên giới. Số lượng xăng dầu buôn lậu 917.000 tấn xăng và 92.000 lít dầu trong 3 tháng đầu năm nay mà ông Lam công bố tại cuộc họp báo này cũng được ông cho biết là từ đơn vị khác, chứ Cục Quản lý thị trường "không nắm rõ"...


Ngành chức năng bắt một vụ buôn lậu xăng dầu qua biên giới ở Long An.

Với phát ngôn của cơ quan chống buôn lậu trên đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng việc buôn lậu xăng dầu sẽ khó mà ngăn chặn được. Ông Doanh đặt câu hỏi, không hiểu các đối tượng buôn lậu lấy xăng dầu ở đâu hay ở chính thị trường nội địa rồi mới đưa ra biên giới, ra biển để xuất lậu... Có phải vì do phối hợp giữa các bộ ngành nên cuối cùng không biết ngành nào có trách nhiệm! “Nói như lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thì khác gì việc thấy con gom của trong nhà mình thì bố không có trách nhiệm, rồi khi con mang của sang nhà hàng xóm bán lậu lại nói đó không phải là lỗi của bố, bố không có quyền bắt, hay dạy dỗ con"-chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ví von.

Buôn lậu xăng dầu không ngăn chặn được thì việc tăng giá xăng dầu với lý do để chống buôn lậu như lý giải của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền tại cuộc họp báo này "quá có lý". Ông Quyền lý giải với báo chí rằng, việc điều hành giá xăng dầu như vừa qua, Bộ Tài chính đã đưa ra đầy đủ lý do rồi (lý do Quỹ Bình ổn cạn, giá thế giới giảm nhưng vẫn còn cao...), còn về lý do chống buôn lậu mà phải tăng giá xăng dầu thì chỉ là một căn cứ mà thôi.

Ông Quyền nói: "Vì điều hành xăng dầu nói chung tùy thuộc vào nền kinh tế, mà nền kinh tế lại đang bị ảnh hưởng bởi buôn lậu xăng dầu. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang bình ổn giá, việc xuất lậu xăng dầu sẽ ảnh hưởng!?".

Ông Quyền cũng cho biết, từ nay khi tăng giá xăng dầu sẽ không được báo trước để tránh ảnh hưởng tới thị trường, tránh đầu cơ, trục lợi. "Việc tăng giá sẽ vừa minh bạch, vừa đảm bảo cho thị trường ổn định" - ông Quyền khẳng định. Riêng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoạt động như thế nào? Có để DN nắm giữ hay không? Việc sử dụng quỹ khi còn tiền hay hết tiền như thế nào thì tới đây khi sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sẽ có quy định cụ thể...

Cũng tại buổi họp báo, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được đề xuất nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tăng giá điện, do vậy trong tháng 4 giá điện cũng chưa có phương án điều chỉnh.

Ông Đặng Cường cho biết, hiện EVN đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để việc cung cấp điện tháng 4 và các tháng cao điểm mùa khô không bị gián đoạn. "Ba tháng tiếp theo cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn PVN và Vinacomin đảm bảo ổn định việc vận hành tin cậy các nhà máy điện, nếu cần sẽ huy động các nguồn điện giá cao"- ông Cường nói.

Mai Hương
theo Dân Việt

Từ khóa: