Để mua đủ thực phẩm cho bữa ăn gia đình, các bà nội trợ thường phải tốn thời hơn do phải cân nhắc, đắn đo, khảo giá nhiều hàng để tiết kiệm nhất có thể cho bữa ăn gia đình. Và một trong những chiêu hiệu quả nhất là tìm mua hàng tận gốc từ chờ đầu mối.
Để mua đủ thực phẩm cho bữa ăn gia đình, các bà nội trợ thường phải tốn thời hơn do phải cân nhắc, đắn đo, khảo giá nhiều hàng để tiết kiệm nhất có thể cho bữa ăn gia đình. Và một trong những chiêu hiệu quả nhất là tìm mua hàng tận gốc từ chờ đầu mối.
Hàng ngày, chị Hoa (Nhân viên Công ty bánh kẹo Hữu Nghị) thường đi chợ trên đường về sau giờ làm việc mỗi ngày. Chợ Kim Giang gần nhà chị họp hai ca sáng và chiều nên chị thoải mái chọn mua thực phẩm vào giờ tan tầm.
Tuy nhiên, thói quen của chị Hoa đã phải thay đổi do giá thực phẩm đang tăng lên từng ngày. "Tôi tan làm khá sớm lại còn thời gian đợi đón con trai đang học lớp 6 nên tranh thủ đi chợ luôn rồi về nấu ăn cho thực phẩm tươi mới. Tuy nhiên, giá cả tăng nên tôi phải thay đổi thói quen, tranh thủ dậy sớm đi chợ đón rau cỏ, thực phẩm từ các vùng lân cận mang ra bán cho rẻ hơn".
Chị Hoa cho biết, những người buôn bán rau và thịt lợn, gà, bò mang từ các vùng như Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên hay La Khê, La Cả mang ra Hà Nội bán bao giờ cũng rẻ hơn người buôn tại chợ. Những người buôn bán này cũng chỉ tranh thủ đi chợ sớm đến chừng 10 giờ là về còn làm việc đồng áng nên chiều chợ toàn người buôn bán tại chợ, giá cả đắt đỏ hơn hẳn.
"Rau muống bây giờ cằn và có sương ăn khá cứng song vẫn có giá tới 7000đ một mớ, nếu mua buổi sáng của người nhà quê mang ra sẽ rẻ hơn được từ một đến hai nghìn. Thịt gà cũng vậy, gà ta chăn công nghiệp mua sớm của người buôn từ các vùng quê ra chỉ có giá 70 đến 75.000đ/kg, song nếu mua của người buôn tại chợ thì giá đã lên đến trên dưới 85.000đ/kg".
Chợ Kim Giang mới hơn 5 giờ sáng đã tấp nập và đông chen nhau kẻ bán người mua. Ai đi chợ cũng cố lượt qua càng nhiều hàng càng tốt để hy vọng có được giá dễ chịu nhất cho có khi chỉ là mớ rau, quả chanh.
Bà Nguyễn Thị Thân (A12 Kim Giang) cho biết: "Cả gia đình tôi và con cháu là 6 người. Thông thường mỗi ngày sẽ chi hết 100.000đ riêng tiền mua thực phẩm.
Nay thịt lợn tăng từ 5 đến 7.000/kg, rau cũng tăng từ 1 đến 2.000/mớ nên việc chi tiêu rất khó khăn. Khi đi chợ tôi không bao giờ dám mua ngay mà phải khảo giá một vòng, sau đó đi đến tận cuối chợ gặp những hàng buôn xe thồ và gồng gánh để mua cho đúng giá".
Chị Phương, người buôn bán rau quả nhiều năm ở chợ Định Công cho biết: "Thời gian gần đây, nhiều khách mua hàng quen của tôi lâu không thấy mua, khi gặp hỏi họ bảo tuần hai lần ra tận chợ đầu mối phía Nam mua rồi mang về làm sạch cất tủ lạnh cho rẻ. Cũng lại có những khách ở trên phố về dưới chợ này mua vì giá cả ở đây nói chung mềm hơn trên phố".
Đi bộ từ Thanh Xuân ra chợ đêm Ngã Tư Sở với chiếc làn trên tay từ tờ mờ sáng, chị Đinh Thị Quỳnh, nhân viên Công ty bóng đèn Rạng Đông than: "Cái gì cũng đắt. Trước tôi có thói quen nấu canh hay gì thường cho quả cà chua cho đẹp màu và bổ sung chất song giờ cũng cắt giảm luôn. Mười mấy nghìn một cân cà chua mà không phải mùa, rét đậm kéo dài nên cà chua cũng xấu màu. Mấy chị em tôi ở cùng khu tập thể chiều nào cũng có "màn" trao đổi kinh nghiệm mua thực phẩm, trước đây thường bàn ăn gì bổ, tốt giờ thêm mục rẻ nữa".
Chị Quỳnh cũng cho biết, trước ở ngay ngõ nhà chị có bà bán rau quả cả ngày, cần gì chạy ra mua. Nay hàng rau của bà đã giải tán bởi ai cũng chi tiêu tiết kiệm, việc mua ở chợ về bán cho gần của bà đã không còn "hợp thời".
Tần ngần trước hàng hoa quả ngay trước cổng chợ Trương Định, chị Nguyễn Thị Yến, A8 tập thể Tân Mai phân trần: "Hai cháu nhà tôi mới có 2 và 6 tuổi nên việc bổ sung vitamin thông qua ăn hoa quả rất quan trọng. Trước đây, tôi định kỳ mua và thay đổi loại hoa quả cho các cháu song bây giờ thật khó để duy trì thói quen tốt này.
Một trái thanh long trên 3 lạng đã hơn 10.000đ, gần 40.000đ một cân xoài, cái giá cũng tăng từ 10 đên 20% so với trước, làm sao mà cân đối chi tiêu được". Đắn đo vậy song chị Yến vẫn chọn mua một cân quýt nhỏ cho con, chị giải thích: "Quýt giá không quá cao mà vẫn đủ chất, lại nhiều quả nên có thể ăn làm nhiều lần sau các bữa ăn. Ba ngày nữa tôi sẽ mua một cân táo ta có giá chừng trên 20.000đ là phù hợp với túi tiền hiện tại của gia đình".
Theo VEF