Người mua nhà tại TP.HCM vừa bị một phen “hú vía” khi cơ quan chức năng công bố hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có các chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản và luật sư, việc này không ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng. Bởi theo chỉ đạo của Chính phủ, việc doanh nghiệp vẫn hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước và người mua nhà vẫn được đáp ứng các thủ tục pháp lý, quyền lợi từ sản phẩm đã mua.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 6/2017, số nợ có khả năng thu hồi trên địa bàn gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng danh sách mới công bố 209 doanh nghiệp đã có số nợ thuế trên 2.118 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này có số nợ kéo dài và cơ quan thuế đã phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế.
Chẳng hạn, theo cơ quan thuế TP.HCM, đơn vị này đã chuyển đề nghị cơ quan hải quan cửa khẩu tạm thời dừng xuất cảnh đối với các chủ doanh nghiệp nợ thuế, chây ỳ thuế; trích tài khoản ngân hàng, tài khoản của bên thứ ba, kê biên tài sản doanh nghiệp, thông báo đình chỉ sử dụng hóa đơn và biện pháp cưỡng chế cao nhất là đề nghị cơ quan chức năng thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản bên lề một hội thảo tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bình luận, những doanh nghiệp bất động sản nợ thuế hiện nay 100% được thành lập trong giai đoạn từ năm 2000 - 2010 chứ không phải những doanh nghiệp mới. Họ bị hạn chế về năng lực tài chính, năng lực quản trị, quản lý điều hành dự án. Trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế, có những doanh nghiệp là chủ đầu tư chung cư không thực hiện được nghĩa vụ bàn giao nhà cho khách hàng. Thậm chí, có dự án chủ đầu tư còn cho khách hàng vào ở khi chưa đủ điều kiện bàn giao, khiến chính quyền phải vào cuộc.
“Việc này tác động đến tâm lý người tiêu dùng, họ giảm sút niềm tin rất lớn đối với các chủ đầu tư bất động sản”, ông Châu nhận định.
Theo ông Châu, việc cơ quan chức năng mạnh tay với các doanh nghiệp nợ thuế cũng làm lành mạnh thị trường, khiến các doanh nghiệp khách phải nâng cao uy tín, năng lực của mình trong từng dự án. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, năng lực tài chính và sản phẩm phù hợp, đảm bảo thanh khoản…
“Chúng ta biết rằng, hiện nay đã có Luật Phá sản và đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị liên quan. Cho nên, trong trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo hoàn thuế, thì khách hàng nên khởi kiện trước tòa để được bảo vệ quyền lợi”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng kiến nghị, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có nợ tiền thuế, đặc biệt tiền sử dụng đất, cơ quan thuế nên công khai để thị trường được minh bạch, người dân đánh giá được năng lực tài chính của chủ đầu tư trước khi quyết định mua sản phẩm của dự án. Đồng thời, doanh nghiệp đã nợ thuế thì không được giao dự án để triển khai thực hiện.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong trường hợp các doanh nghiệp không còn khả năng hoàn thuế cho Nhà nước, thì buộc phải thu hồi Giấy phép kinh doanh, đồng nghĩa với thu hồi dự án, chuyển cho một doanh nghiệp khác. Hoặc dùng các biện pháp khác nhằm thu hồi thuế của doanh nghiệp cũng đều không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng tại dự án.
“Người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm và việc còn lại chỉ là các thủ tục về giấy tờ và các quyền lợi liên quan. Cho dù có thay đổi chủ đầu tư thì khách hàng vẫn đảm bảo được quyền lợi của mình. Với những dự án đã hoàn thiện thì Nhà nước vẫn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo quy định”, luật sư Hùng cho biết.
Kim Đức
Theo Đầu tư Bất động sản