Sự kiện hot
4 năm trước

Chủ dự án chợ Đô Lương là ai?

Bên cạnh dự án chợ Đô Lương, doanh nhân Nguyễn Công Hải còn tham gia đầu tư tại nhiều dự án chợ, trung tâm thương mại ở Nghệ An, Hưng Yên và đặc biệt là Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư, theo giới thiệu, lên đến cả nghìn tỷ đồng.

3

Dự án Đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống Đô Lương tại huyện Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Văn Dũng

Dự án Đầu tư, xây dựng, sở hữu, kinh doanh trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống Đô Lương tại huyện Đô Lương (Nghệ An) (gọi tắt là dự án chợ Đô Lương) được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho Hợp tác xã đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An – Đô Lương làm chủ đầu tư vào đầu năm 2017.

Dự án có diện tích khoảng 34.000m2, mật độ xây dựng 75,74%, tổng vốn đầu tư 330,7 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án theo kế hoạch được khởi công vào quý II/2017 và đưa vào hoạt động quý II/2019.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có 1.929 ki ốt, quầy hàng, sạp hàng làm điểm kinh doanh, trong đó có: 20 ki ốt 7 tầng; 57 ki ốt 3 tầng; 124 ki ốt 2 tầng; 196 ki ốt 1 tầng; 1.532 sạp hàng truyền thống.

Tại phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, nội quy hoạt động tại dự án chợ Đô Lương (kèm theo quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 8/8/2018 của UBND tỉnh Nghệ An) thì quy mô dự án giảm xuống còn 1.338 điểm kinh doanh, trong đó có: 27 ki ốt 7 tầng (tăng 7 ki ốt so với quyết định chủ trương đầu tư); 143 ki ốt 3 tầng (tăng 43 ki ốt), trong đó có 77 ki ốt 3 tầng loại 1, 13 ki ốt 3 tầng loại 2, 10 ki ốt 3 tầng loại 3; 15 ki ốt 2 tầng (109 ki ốt); 116 ki ốt 1 tầng và 1.080 sạp hàng kinh doanh.

Đến ngày 3/12/2019, Sở Xây dựng Nghệ An đã cấp Giấy phép xây dựng cho Hợp tác xã Đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An – Đô Lương thực hiện dự án trên.

Theo ghi nhận của Nhadautu.vn, mặc dù dự án đang trong quá trình hoàn thiện. Thế nhưng, nhiều ki ốt từ 2-7 tầng được giới thiệu là shophouse và đã được cho thuê gần hết, với mức giá từ 1,4-5,5 tỷ đồng.

Văn bản số 2779/SXD-QLN ngày 10/9/2019 của Sở Xây dựng Nghệ An về việc quản lý đầu tư xây dựng, kinh doanh và khai thác, sử dụng các dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh có nêu, “nghiêm cấm" các hình thức sử dụng công trình sai mục đích của dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt. Chỉ được sử dụng chợ vào mục đích buôn bán, kinh doanh thương mại (không được sử dụng vào các mục đích khác như để ở, văn phòng, sản xuất,… bằng bất cứ hình thức nào).

Ngày 17/2/2020, UBND huyện Đô Lương có thông báo số 36/TB-UBND, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về việc đầu tư hay mua bán căn hộ tại dự án này. Theo thông báo, Dự án chợ Đô Lương được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất để xây dựng chợ và trung tâm thương mại; trong đó có các hạng mục như: đình chợ, các ki ốt từ 1-7 tầng và trung tâm thương mại 7 tầng, đường giao thông… (không có hạng mục shophouse).

UBND huyện Đô Lương khuyến cáo nhân dân cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin quảng cáo về dự án và lưu ý “Dự án chợ chỉ được sử dụng vào mục đích buôn bán, kinh doanh thương mại và không được sử dụng vào các mục đích khác như để ở, văn phòng, sản xuất…bằng bất cứ hình thức nào”.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Hoàng Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương khẳng định, đây là dự án chợ, nên chỉ được cho thuê kinh doanh và không được ở. “Người thuê ki ốt ở dự án chợ Đô Lương không thể làm được hộ khẩu hay tạm trú tạm vắng được”, ông Hiệp nói.

Về phần mình, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An Đô Lương - chủ đầu tư dự án khẳng định theo nguyên tắc là không được ở, vì đây là dự án chợ không phải dự án nhà ở.

“Theo luật thì diện tích của dự án nhà ở không dưới 50m2, các ki ốt ở đây chỉ có diện tích hơn 30m2 nên nó không đủ tiêu chuẩn để ở. Chúng tôi cho thuê ki ốt để kinh doanh, họ có thể ngủ lại để trông hàng là việc của họ”, ông Tuấn nói.

Chủ đầu tư là ai?

Chủ đầu tư dự án - Hợp tác xã đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ Hải An Đô Lương được thành lập cuối năm 2016, do ông Nguyễn Công Hải làm người đại diện pháp luật; ông Nguyễn Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT công ty.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Công Hải còn là người đại diện theo pháp luật tại CTCP Đầu tư và phát triển thương mại Hacovina và Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Hacovina (theo Tổng cục Thuế, doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký). 

CTCP Đầu tư và Phát triển thương mại Hacovina được thành lập tháng 9/2017, đóng trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ông Nguyễn Công Hải là cổ đông lớn nhất (70%) và trực tiếp đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT. 2 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Tâm (10%) và ông Bùi Thành Chinh (20%). Đến cuối tháng 8/2020, công ty này giảm vốn điều lệ xuống còn 25 tỷ đồng.

Theo giới thiệu tại website chính thức (http://hacovina.vn/), Hacovina đã và đang đầu tư, liên kết đầu tư các dự án chợ, TTTM với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, ngoài dự án chợ Đô Lương, còn có chợ Kim Sơn (Quế Phong, Nghệ An) có vốn đầu tư 175,5 tỷ đồng, chợ Tiên Lữ, Hưng Yên (vốn 341,5 tỷ đồng), cùng với 3 dự án chợ ở Quảng Ngãi là chợ Di Lăng, huyện Sơn Hà (vốn 145 tỷ đồng), chợ Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi (195,9 tỷ đồng), chợ Nghĩa Dõng (99 tỷ đồng).

Dù được giới thiệu đang triển khai nhiều dự án chợ với quy mô cả nghìn tỷ đồng, tuy nhiên theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, thực trạng tài chính của Hacovina không thực sự khả quan.

Từ khi hoạt động đến năm 2019, doanh nghiệp của ông Nguyễn Công Hải chỉ đạt doanh thu 72 triệu đồng vào năm 2018, trong khi báo lỗ liên tiếp, riêng năm 2019 lỗ thuần 1,2 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hacovina ở mức 204,9 tỷ đồng còn nợ phải trả là 8,24 tỷ đồng.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, vào tháng 8/2020, Hacovina đã điều chỉnh giảm mạnh vốn điều lệ từ 199 tỷ đồng về còn 25 tỷ đồng.

1

Văn Dũng
Theo Nhà đầu tư

Từ khóa: