Hơn nửa tháng nay, những lá đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng đã liên tiếp được các thuỷ thủ gửi đi kêu cứu về việc bị công ty TNHH vận tải Viễn dương Vinashinlines nợ lương nhiều tháng liền trong các năm 2010, 2011. Trong số này có cả những nhân lực chất lượng cao như máy trưởng thuyền trưởng...
Đơn kiến nghị của các thuỷ thủ kèm theo xác nhận "nợ lương" của lãnh đạo Vinashinlines cho thấy, tổng số tiền nợ lương lên tới hàng tỉ đồng. Hàng chục thuỷ thủ bị nợ lương, người ít vài ba tháng, người nhiều tới chín tháng. Thuỷ thủ Vũ Sơn Hải, sĩ quan điện tàu Hoa Sen, bị công ty nợ năm tháng lương với số tiền 60 triệu, thuỷ thủ Vũ Sỹ Uyên bị nợ chỉ bốn tháng nhưng số tiền lên đến 133,7 triệu đồng... Không chỉ có tàu Hoa Sen, mà một số tàu khác thuộc Vinashinlines cũng rơi vào tình cảnh tương tự như máy 2 của tàu Vinashin Liner 2 bị công ty nợ 201 triệu đồng. Đặc biệt, ngay thuyền trưởng Nguyễn Hải Sơn của tàu Vinashin Liner 2 bị nợ tám tháng lương (218 triệu đồng).
Theo phản ảnh của các thuỷ thủ, đã có một khoản tín dụng được "rót" cho Vinashinlines để trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, Vinashinlines thông báo cho các thuỷ thủ rằng, chỉ có những thuỷ thủ thuộc biên chế của công ty - tức có đóng bảo hiểm xã hội tại công ty thì mới được thanh toán, trong khi đó, hầu hết các thuỷ thủ nói trên (đứng tên trong kiến nghị) là "lính đánh thuê" - là người ngoài được công ty thuê theo thời vụ ngắn hạn, thậm chí cả những nhân lực chất lượng cao như thuyền truởng, thuyền phó, máy trưởng...
Đại diện các thuỷ thủ cho biết, sau rất nhiều đơn thư, nhiều cuộc làm việc, Vinashinlines vẫn chỉ có những lời hứa sẽ cố gắng trả lương đang nợ các thuỷ thủ. "Lần gần nhất là lời hẹn trả lương vào ngày 10.4.2012 nhưng sau đó họ tiếp tục khất sang tháng sau", một thuỷ thủ từng thuộc tàu Hoa Sen cho hay.
"Hầu hết thuyền viên đều bị chậm lương"
Ngày 19.4, ông Đỗ Dũng, phó tổng giám đốc Vinashinlines thừa nhận, do tình hình tài chính khó khăn nên hầu hết các thuyền viên đều bị chậm, nợ lương chứ không riêng gì các thuỷ thủ nói trên.
Theo ông Dũng, sau khi có quyết định tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin), Vinashinlines được chuyển về cho tổng công ty Hàng hải (Vinalines) và Thủ tướng có quyết định 87 cho công ty được vay ưu đãi từ ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất 0% để trả lương, bảo hiểm xã hội cho thuyền viên. "Tuy nhiên, không phải Thủ tướng nói là vay được ngay vì ngân hàng có quy định chặt chẽ nên chúng tôi giải ngân rất khó, mới được khoảng 1/6 kế hoạch", ông Dũng nói. Dù nói rằng không nắm rõ tổng số lương đang nợ và tổng số tiền được vay theo ưu đãi của Chính phủ, song ông Dũng cho hay, số tiền vay được chia làm bốn đợt, và đợt thứ hai vừa qua chỉ giải ngân được khoảng 1/7 (4 tỉ/29 tỉ) nên nợ lương tiếp tục kéo dài.
Ông Dũng giải thích: tiền vay sẽ được ngân hàng chuyển thẳng vào tài khoản của thuỷ thủ, nhưng ngân hàng quy định chỉ chuyển cho thuỷ thủ nào có thêm hợp đồng bảo hiểm xã hội ngoài hợp đồng lao động với công ty. Tuy nhiên, đặc thù của nghề vận tải biển là thuê ngoài, và hiện nay số lao động thuê ngoài của Vinashinlines chiếm khoảng 30%, trong đó chủ yếu là nhân lực chất lượng cao, sĩ quan, thậm chí cả thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng. "Khi đi thuê, thường là các thuỷ thủ đã đóng bảo hiểm ở một đơn vị khác nên công ty không phải đóng bảo hiểm nữa. Cho nên, các thuỷ thủ này không được ngân hàng chấp nhận chuyển tiền chứ không có chuyện công ty phân biệt", ông Dũng khẳng định.
Vẫn theo ông Dũng, tại buổi làm việc ngày 17.4 với đại diện thuỷ thủ, Vinashinlines hứa cuối tháng 4 sẽ trả thêm một tháng lương, số còn lại sẽ có lộ trình cụ thể với từng đối tượng. Ông Dũng nói: "Dẫu vậy, với thuyền viên thì dễ, còn với sĩ quan sẽ khó khăn hơn vì số tiền cao hơn rất nhiều, như lương của thuyền trưởng tàu Hoa Sen cao gấp mười lần thuyền viên".
Theo các thuỷ thủ tàu Hoa Sen, ngày 14.2.2011, tàu Hoa Sen rời cảng Cam Ranh với thuỷ thủ đoàn gồm 24 người đi Trung Quốc theo một hợp đồng kinh tế, lúc ấy được Vinalines công bố là hợp đồng thuê tàu với giá 16.500 USD/ngày. Tuy nhiên, sang đến Trung Quốc, Hoa Sen phải tiếp tục lên đà sửa chữa. Sau đó, trong chuyến hải hành đi Hàn Quốc, con tàu đã bị tạm giữ tại Hàn Quốc do một khoản nợ trước đó của Vinashin.
|