Sự kiện hot
4 năm trước

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: 'Thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng'

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2020, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) cho biết, năm 2020, mặc dù phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhưng trên cơ sở kiểm soát, ứng phó hiệu quả đại dịch, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo được an sinh xã hội.

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 2,91% (là nước duy nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất của khối ASEAN đạt tăng trưởng dương); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,23% (TP.HCM, GRDP chỉ tăng 1,39%, thấp nhất trong nhiều năm qua; riêng CPI chỉ tăng 2,78%).

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM vốn đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ cuối năm 2015, nhất là trong 3 năm gần đây và đại dịch COVID-19 đã tác động làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.

“Trong năm 2020, có thể chia làm 2 giai đoạn, thứ nhất 7 tháng năm 2020, thị trường bất động sản cũng bị khủng hoảng nghiêm trọng, nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, giao dịch bị ngừng trệ; tiếp đó là từ tháng 8/2020 đến nay, thị trường đã dần phục hồi và tăng trở lại”, ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

onglehoangchau2cchutichhiephoibatdongsantphcm_apsi

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. (Ảnh nhân vật)

Trong khi đó nói về thị trường bất động sản năm 2021, Chủ tịch HoREA nhận định, trên cơ sở kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, ổn định và chưa có nguy cơ xảy ra tình trạng “đóng băng”, hoặc “bong bóng” bất động sản do sức mua và tổng cầu nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao.

Đáng chú ý, đề cập đến các nhân tố tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2021, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, một trong những nhân tố đầu tiên chính là định hướng phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm với tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững.

“Với đường lối, chủ trương, quyết sách chiến lược sẽ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới xác lập và năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, cũng là năm đầu của kế hoạch 2021-2025, chắc chắn sẽ tạo được xung lực rất mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thị trường bất động sản”, ông Châu nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Châu, một số cơ chế chính sách (mới) có tính đồng bộ, tính liên thông như việc Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật trong năm 2020, trong đó, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sẽ giúp tháo gỡ được các “vướng mắc” trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Mặt khác, các quy định pháp luật (mới) sẽ giúp cho cán bộ công chức nhà nước của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho các dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đề ra, vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế vững chắc.

“Trong quý I/2021, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 và hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy mạnh công tác xây dựng lại các khu nhà chung cư cũ kết hợp với chỉnh trang khu vực đô thị; chỉnh trang di dời nhà trên và ven kênh rạch; phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý vận hành nhà chung cư; tháo gỡ các vướng mắc để vận hành trở lại các dự án đầu tư, dự án nhà ở có liên quan đến sử dụng quỹ đất do sắp xếp lại trụ sở cơ quan, di dời nhà xưởng ô nhiễm… sẽ tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo”, Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Một nhân tố nữa được ông Lê Hoàng Châu đề cập đến là kế hoạch phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông liên vùng tiếp thêm nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.

Lấy TP.HCM làm dẫn chứng, ông Châu cho rằng, TP.HCM có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ trong năm 2021 và cả trong trung hạn, dài hạn, với những động lực mới như đề án thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM, là đô thị sáng tạo có tính tương tác cao, là đô thị loại 1, có quy mô kinh tế bằng khoảng 7-8% GDP cả nước, chiếm đến 1/3 GRDP của thành phố, đi đôi với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, xây dựng nền kinh tế số.

Bên cạnh đó, một số công trình giao thông sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2021, đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, công trình chống ngập do triều cường và khởi công xây dựng dự án sân bay Long Thành và nhiều dự án kết nối giao thông liên vùng, đường vành đai sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản.

Đối với đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Ông Châu cho rằng, hoàn toàn có khả năng chuyển đổi huyện Cần Giờ trở thành “đô thị biển, đô thị sinh thái, đô thị môi trường” gắn liền với việc bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn (Rừng Sác Cần Giờ) trong những năm sắp tới, trên cơ sở thực hiện các dự án cầu Cần Giờ (nối với huyện Nhà Bè); đường trên cao Rừng Sác; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.800 ha.

“Chính phủ đã quyết định cho TP.HCM được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở giai đoạn 2016-2020, mà thực tế đã chứng minh 1 ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị gấp hơn 100 lần so với 1 ha đất nông nghiệp”, Chủ tịch HoREA đánh giá.

Cũng theo ông Châu, cơ cấu dân số và nhu cầu nhà ở cũng là 2 nhân tố có tác động đến thị trường bất động sản, theo đó, tốc độ tăng dân số tại TP.HCM cứ 5 năm tăng thêm 1 triệu người. Đặc biệt, có hơn 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại TP.HCM... tập trung tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; phường Thảo Điền, quận 2 và khu trung tâm thành phố. Riêng quận 7 đã có đến 20.000 người nước ngoài thường trú.

Đi đôi với đó là tình trạng nhà ở, riêng TP.HCM có 474 nhà chung cư xây dựng trước năm 1975 với 573 block đã bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó, có 15 chung cư trong tình trạng nguy hiểm, mất an toàn cho người sử dụng (cấp D) chiếm 3,2% và 115 chung cư hư hỏng nặng (cấp C) chiếm 24,3%. Chưa kể, kết quả điều tra dân số, nhà ở ngày 1/4/2019 cho thấy, toàn thành phố vẫn có đến 188.815 hộ dân sống trong các ngôi nhà có diện tích chật hẹp dưới 6 m2/người. Đây cũng là những yếu tố quan trọng góp phần tác động đến thị trường bất động sản năm 2021.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, nền kinh tế và thị trường bất động sản còn có sự phụ thuộc vào kết quả công tác kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới, cũng như diễn biến của tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và mức độ xung đột lợi ích giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Lý Tuấn
Theo Nhà đầu tư 

Từ khóa: