Thông tin mà một số tờ báo đưa ra về việc Bộ TT-TT đồng ý phương án sáp nhập hai mạng viễn thông di động MobiFone và Vinaphone là không chính xác. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng với PV Thanh Niên trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm qua (20.3).
Ông Lê Nam Thắng cho biết Bộ TT-TT được Chính phủ giao nhiệm vụ xem xét đề án tái cơ cấu DNNN thuộc lĩnh vực viễn thông, trong đó có Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT). Bộ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thật chặt chẽ vì có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN), đến người lao động và người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy, các đề án tái cấu trúc nói chung phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình. Quá trình tái cơ cấu này hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng các phương án phù hợp. Phía VNPT cũng đã trình một số phương án nhưng hiện tại Bộ vẫn hoàn toàn chưa có bất cứ quyết định cũng như xem xét phương án cụ thể nào để trình Chính phủ vào thời điểm này.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng (VNPT), xác nhận trong số các phương án tái cơ cấu mà VNPT trình Bộ TT-TT có quan điểm về việc sáp nhập MobiFone và Vinaphone. Theo ông Việt, việc sáp nhập nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên phương án này có được chấp thuận hay không phải chờ quyết định từ phía Bộ, Chính phủ.
Trước đó, năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2011) quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của luật Viễn thông, trong đó quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một DN viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT-TT quy định. Theo quy định này, VNPT buộc phải thoái vốn xuống dưới 20% ở một trong hai mạng di động Vinaphone và MobiFone mà hiện VNPT đang nắm vốn 100%.
Trường Sơn
Theo Thanh nien