Dù chưa nghiệm thu PCCC, bất chấp nguy hiểm tiềm tàng về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên đưa dân vào ở.
Chung cư CT02 A,B Tân Tây Đô.
Hai tòa chung cư CT02 A,B Tân Tây Đô thuộc khu đô thị mới Tân Tây Đô (Đan Phượng - Hà Nội) tiếp giáp Quốc lộ 32 và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, thuộc khu địa giới hành chính mở rộng trong tương lai của Hà Nội và được đánh giá trở thành một đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Tòa chung cư CT02 A,B Tân Tây Đô do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư.
Mới đây theo công bố danh sách 38 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn Hà nội được Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đưa ra, thì hai tòa nhà CT02 A, B nằm trong danh sách bị bêu tên vì chưa đảm bảo điều kiện PCCC song đã đưa dân vào ở.
Theo tìm hiểu của PV hiện nay các hệ thống PCCC của tòa nhà đã được lắp đặt khá đầy đủ, các thiết bị cũng lắp đặt hoạt động khá tốt, nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn nằm trong “danh sách đen” của cơ quan PCCC.
Lý giải về điều này, trả lời báo Giao Thông về nguyên nhân hai tòa nhà CT02 A, B (Khu đô thị Tân Tây Đô, Đan Phượng) nằm trong danh sách 38 công trình nhà ở cao tầng trên địa bàn không đảm bảo điều kiện PCCC song đã đưa dân vào ở.
Đại diện Chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư Hải Phát cho biết: “Cả 2 dự án đều làm dưới dạng cuốn chiếu, khi bàn giao chỉ còn một số hạng mục chưa hoàn thiện. Trong khi đó, thời gian chờ kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng PCCC cũng khá lâu. Tới thời điểm này, hai dự án đều đã qua một đợt nghiệm thu từ tháng 9/2015. Từ đó cho tới nay cũng đã qua hai lần kiểm tra. Hiện, những yêu cầu của lực lượng chức năng chúng tôi vừa đáp ứng xong. Trong tháng 8 sẽ tiếp tục mời cơ quan PCCC nghiệm thu lại”.
Phải chăng trước sức ép của khách hàng, chủ đầu tư không thể đợi kết quả nghiệm thu PCCC buộc phải bàn giao đưa vào sử dụng bất chấp những nguy hiểm tiềm tàng về cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Ở những công trình chưa được tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy mà chủ đầu tư đã đưa nhà, công trình này hoạt động, sử dụng là hành vi trái pháp luật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu để xảy ra sự cố cháy nổ thì chủ đầu tư và các bên liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm và bồi thường cho người bị thiệt hại do sự cố cháy nổ gây ra”.
Luật sư cũng cho rằng: “Việc chủ đầu tư đưa chung cư chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy vào hoạt động, sử dụng bàn giao cho người dân là trái pháp luật.
Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Khoản 6, Điều 36 vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình:
“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.
Ngoài ra chủ đầu tư còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả để đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật và Điều 7 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP”, Luật sư Nguyên nhận định.
Theo PL+