Xung quanh buổi họp báo chiều ngày 25/8, nhiều PV đặt câu hỏi có hay không sự bảo kê, tiếp tay của Biên phòng, Hải quan trong vụ phá rừng pơ mu đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Quảng Nam?
Tại buổi họp báo, Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này, Công an xác định có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng 115,412 m3 nhóm IIA. Trong đó có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị chặt phá lấy gỗ xảy ra tại khoảnh 5 và 8 tiểu khu 351, thuộc rừng phòng hộ với khối lượng là 75,602 m3, còn lại 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố 9 đối tượng. Riêng nhóm vận chuyển gỗ đã bắt được 1 đối tượng, 11 đối tượng khác đang bỏ trốn. “Qua các cơ quan báo chí, chúng tôi kêu gọi các đối tượng liên quan ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật” - Đại tá Nguyễn Viết Lợi, GĐ Công an tỉnh Quảng Nam nói.
Xung quanh buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi với Công an tỉnh Quảng Nam về việc có hay không hành vi tiếp tay, bảo kê của Biên phòng, Hải quan?
Đại tá Lợi cho biết: “Cho đến giờ phút này, không có tài liệu chứng cứ để chứng minh các cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn này có hành vi bao che, bảo kê hay tham gia tổ chức. Đây là việc mà dư luận quan tâm nhưng cũng là mục tiêu của cơ quan điều tra phải trả lời được câu hỏi này. Tại kỳ họp báo tới chúng tôi sẽ trả lời chính xác”.
Quang cảnh buổi họp báo chiều ngày 25/8
Người đứng đầu Công an tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh trong quá trình điều tra, nếu có bằng chứng lực lượng hải quan vi phạm pháp luật, Cơ quan điều tra sẽ bắt ngay. Riêng lực lượng BĐBP, theo quy định, tất cả các vụ việc liên quan đến quân đội thì phải do Cơ quan điều tra hình sự của lực lượng này điều tra.
Đại tá Lợi cũng cho biết thêm, phía nước bạn Lào đã tập trung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nước này là đẩy đuổi các đối tượng phá rừng, chứ không khởi tố vụ án phá rừng pơ mu. Công an tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào) tập trung, hỗ trợ xác minh các đối tượng trong diện nghi vấn và bắt nếu cần thiết.
Như đã đưa tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã thu thập đầy đủ chứng cứ củng cố hồ sơ, ra lệnh bắt khẩn cấp các đối tượng có liên quan.
Đến thời điểm hiện tại chưa thể kết luật có sự tiếp tay, bảo kê trong vụ phá rừng pơ mu
Cụ thể, ngày 26/7 đã bắt Nguyễn Văn Thắng (1978, trú thôn 1, Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Đối tượng này được xác định là nhóm trưởng trực tiếp chặt hạ gỗ tại xã La Dêê. Ngày 28/7, bắt Nguyễn Văn Sanh (1982, trú xã Sơn Tịnh, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nhóm trưởng trực tiếp vận chuyển gỗ.
Ngày 2/8, bắt Lê Trọng Dương (1968, trú thôn 1 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhóm phó trực tiếp chặt hạ gỗ. Đối tượng này bỏ trốn từ Quảng Bình vào Đồng Nai. Ngày 4/8, Công an bắt Nguyễn Văn Quang (1982, trú thôn Dương Trung, xã Trà Dương, Bắc Trà My, Quảng Nam) tại bến phà An Phú Đông, quận 12, TPHCM. Quang là người tổ chức thuê nhóm đối tượng khai thác và vận chuyển gỗ.
Ngày 19/8, cơ quan điều tra bắt Tiêu Hồng Tư (1967, trú khu tập thể bao bì xuất khẩu phường Hòa Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) tại sân bay Đà Nẵng. Đây là đối tượng cung cấp tiền để khai thác vận chuyển gỗ.
Ngoài các đối tượng trên, 4 đồng phạm trong nhóm khai thác gỗ trái phép là Mai Văn Cường, Mai Văn Châu, Phạm Văn Bồng, Lê Hồng Diêu (cùng ngụ xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã ra đầu thú và khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình.
Như vậy, cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 9 bị can (trong đó, 4 đối tượng ra đầu thú được tại ngoại và cấm di chuyển khỏi nơi cư trú). Riêng nhóm vận chuyển Công an đã bắt 1 đối tượng còn 11 đối tượng đang bỏ trốn.
theo Công lý