Vì vượt thẩm quyền nên cấp sổ cho các dự án của Mường Thanh đều phải báo cáo lên TP Hà Nội để xin ý kiến. Theo đó, nhiều chung cư do xí nghiệp xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư đều xây vượt tầng, cơi nới, thậm chí chưa có biên bản bàn giao đất.
Xin ý kiến cấp trên mới dám cấp sổ đỏ
Chiều ngày 19/7/2017 trao đổi với PV, ông Ngô Khánh Tùng, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: “Hầu hết các dự án của Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư đều có sai phạm nên phải xin ý kiến cấp trên để thẩm duyệt”.
Trước câu hỏi về tình hình cấp sổ đỏ cho người mua căn hộ ở những chung cư có sai phạm trong xây dựng, nhất là chung cư Đại Thanh và những chung cư tại bán đảo Linh Đàm của đại gia “điếu cày” Lê Thanh Thản, ông Tùng cho hay, "đã trình lên TP. Hà Nội xin ý kiến rồi mới cấp".
“Sở mong muốn cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đúng quy hoạch. Tuy nhiên, vì có sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Mường Thanh nên Văn phòng đăng ký đất đai phải trình Sở TN&MT để làm văn bản gửi tổ công tác liên ngành gồm Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Tổng cục Thuế Hà Nội… để xử lý”, ông Tùng nói.
Khi được hỏi căn cứ vào đâu để cấp giấy chứng nhận đối với các căn hộ vượt tầng, hay cơi nới ở các dự án của Mường Thanh? Ông Tùng nói: “Trước hết phải báo cáo lên cấp trên, khi cấp trên xử lý vi phạm xong thì những căn hộ này mới được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận”.
“Việc cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho người dân là cần thiết, không thể bắt cư dân làm con tin được”, ông Ngô Khánh Tùng nói.
“Các sai phạm của đơn vị nói trên của đại gia Lê Thanh Thản, chúng tôi cũng đã cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra”, ông Tùng cho biết.
Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội - ông Nguyễn Hữu Nghĩa từng phát biểu: "Việc cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ (đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư) không phụ thuộc vào việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư".
“Đây là 2 sự việc khác nhau, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là xử lý sai phạm của chủ đầu tư, nhưng nhà nước cũng có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của người mua nhà ở dự án này”, ông Nghĩa cho biết.
Cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ vi phạm quy định của nhà nước về đất đai
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có nhiều vi phạm trong tật tự xây dựng tại các dự án do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp hàng trăm tỉ đồng vào ngân sách.
Đối với các chung cư xây dựng sai quy hoạch của Mường Thanh, đoàn thanh tra xác định tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung theo phương pháp thặng dư là hơn 20,7 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong thời gian đoàn thanh tra đang thanh tra tại Hà Nội, tòa nhà chung cư CT4 tại chung cư Đại Thanh đã có sự cố cháy nổ nghiêm trọng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng, vi phạm quy định của nhà nước về đất đai.
Trước đó, tại phiên chất vấn HĐND TP. Hà Nội diễn ra hôm 5/7, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, qua điều tra, các dự án do doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đầu tư trên địa bàn đều có dấu hiệu tội trốn thuế và dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo Điều 273 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, ông Khương cũng cho biết Công an TP. Hà Nội đang xin ý kiến của Bộ Công an để khởi tố vụ án với doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản.
Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về ngân sách TP. Hà Nội số tiền sử dụng đất hơn 483 tỉ đồng do chủ đầu tư dự án lô CT2 thuộc dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, Vinaconex 2 phải nộp khoảng 340 tỉ đồng và DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp khoảng 142 tỉ đồng. Tại Hà Nội, Tập đoàn Mường Thanh có tất cả 13 dự án, trong đó, có 9 dự án do DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên đầu tư hoặc hợp tác đầu tư và 4 dự án của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu sản xuất Bemes.
Phan Chính
Theo Nhà đầu tư