Bị “bỏ sót” trong thời gian triển khai thực hiện Nghị định 61/1994/NĐ-CP của Chính phủ, 60 hộ dân ở chung cư D2 phường Quang Trung (TP. Vinh, Nghệ An) đang đứng trước nguy cơ mất quyền lợi khi UBND TP. Vinh cho rằng, chung cư D2 là nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, các hộ dân ở đây không có quyền lợi như những người dân sở hữu chung cư hợp pháp…
Nguồn gốc khu chung cư D2 Quang Trung
Ông Bùi Xuân Lam, nguyên Phó giám đốc Công ty Vận tải đường sắt 3 cho biết, nhà D2 được hình thành từ quỹ phúc lợi của ngành đường sắt. Đây là 1 trong 21 dãy nhà chung cư cao tầng ở phường Quang Trung do CHDC Đức giúp đỡ xây dựng từ năm 1976, sau khi hoàn thành được bàn giao cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam để làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên đang công tác trên địa bàn Nghệ Tĩnh trước đây.
Sau khi được Tổng cục Đường sắt giao Công ty Vận tải đường sắt 3 quản lý, toàn bộ 60 căn hộ nhà D2 được phân cho cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt thuộc các xí nghiệp thành viên (Toa xe Vinh, Đầu máy Vinh, Vận tải đường sắt Nghệ Tĩnh…). Năm 1984 và 1985, Công ty đã ký các giấy phân nhà cho cán bộ, công nhân viên có nhiều năm đóng góp cho ngành đường sắt.
Khu chung cư D2 phường Quang Trung (TP. Vinh, Nghệ An) được đưa vào sử dụng gần 40 năm nay, nên đã xuống cấp trầm trọng.
“Năm 1987, ngành đường sắt cơ cấu lại, Công ty Vận tải đường sắt 3 giải thể; cán bộ, công nhân viên của Công ty được chuyển sang làm việc tại các đơn vị khác thuộc ga Vinh, nhưng không có một quyết định nào khác thay đổi việc phân nhà chung cư D2 Quang Trung”, ông Lam cho biết.
Ông Nguyễn Phúc Châu, Tổ trưởng Tổ dân phố nhà D2, nguyên là cán bộ ngành đường sắt nghỉ hưu và các cư dân phản ánh, suốt hơn 30 năm qua, không một cơ quan, đơn vị nào đứng ra quản lý chung cư D2. Khi nhà hư hỏng, xuống cấp, các hộ dân phải tự góp tiền sửa chữa. Hàng năm, bà con phải tự lên UBND phường nộp tiền thuế sử dụng đất.
“Khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/1994/NĐ-CP về việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho những người đang thuê, chúng tôi không thấy ai thông báo và hướng dẫn làm các thủ tục để thực hiện mua nhà, nên đến giờ, toàn bộ 60 hộ dân ở D2 Quang Trung vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất như hàng ngàn hộ ở các khu chung cư khác”, ông Châu cho biết.
Cũng theo ông Châu, bà con chung cư D2 đã đến UBND TP. Vinh xin làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng được trả lời là do chung cư D2 đang thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đường sắt, nên UBND Thành phố không thể cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người dân. Nếu người dân muốn được cấp sổ hồng thì phải đề nghị Tổng công ty Đường sắt bàn giao chung cư D2 về địa phương quản lý. Bởi vậy, ngày 17/2/2017, Tổ dân cư nhà D2 đã họp và thống nhất gửi đơn kiến nghị Tổng công ty Đường sắt xem xét, bàn giao chung cư D2 về cho tỉnh Nghệ An.
Suốt hơn 30 năm qua, không một cơ quan, đơn vị nào đứng ra quản lý chung cư D2. Khi nhà hư hỏng, xuống cấp, các hộ dân phải tự góp tiền sửa chữa.
Ngày 8/5/2017, Tổng công ty Đường sắt đã có Công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An, trong đó nói rõ: “Trong nhiều năm qua, ngành đường sắt không còn theo dõi, quản lý trực tiếp khu nhà chung cư D2 Quang Trung ở TP. Vinh nữa. Các hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến khu chung cư này không còn được lưu giữ tại Tổng công ty Đường sắt. Do đó, để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho các hộ dân đang sinh sống tại chung cư D2, Tổng công ty Đường sắt đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP. Vinh có phương án giải quyết, tiếp nhận nhà chung cư D2 về địa phương quản lý, tạo điều kiện cho các hộ dân trong việc giải quyết các thủ tục hồ sơ pháp lý về nhà, đất; có điều kiện cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài”.
Tổng công ty Đường sắt cũng giao Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trong việc lập thủ tục tiếp nhận cơ sở nhà, đất nêu trên về địa phương quản lý theo quy định của Nhà nước.
Giao doanh nghiệp tư nhân làm thủ tục tiếp nhận tài sản nhà nước
Sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tiếp nhận nhà chung cư D2 về địa phương quản lý, ngày 19/5/2017, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 3507/UBND-CN gửi UBND TP. Vinh, với nội dung truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường rằng: “Giao UBND TP. Vinh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Dịch vụ Bình Minh để thống nhất việc bàn giao, tiếp nhận và cải tạo Nhà chung cư D2”.
Nhận được công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 2/6/2017, UBND TP. Vinh đã tổ chức cuộc họp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND phường Quang Trung và Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh. Sau đó, ngày 9/6/2017, ông Hà Thanh Tĩnh, Phó chủ tịch UBND TP. Vinh ký công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An với nội dung, do nhà chung cư D2 là tài sản thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty Đường sắt (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), nên việc điều chuyển, bàn giao, tiếp nhận phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
“Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh chưa cung cấp được các hồ sơ pháp lý liên quan của cấp có thẩm quyền đến việc điều chuyển tài sản. Do đó, UBND TP. Vinh đề nghị UBND tỉnh có văn bản đồng ý tiếp nhận nhà chung cư D2; đồng thời giao cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Dịch vụ Bình Minh phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND Thành phố trực tiếp làm việc với Tổng công ty Đường sắt để triển khai thủ tục tiếp nhận”, công văn của UBND TP. Vinh nêu rõ.
Khi biết được nội dung công văn của UBND tỉnh và công văn của UBND TP. Vinh đều có nội dung “giao Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dịch vụ Bình Minh trực tiếp làm thủ tục tiếp nhận nhà chung cư D2 từ Tổng công ty Đường sắt”, các hộ dân hiểu là, Công văn của Tổng công ty Đường sắt đã thể hiện rõ ràng rằng, việc chuyển giao chung cư D2 Quang Trung về Nghệ An quản lý là nhằm tạo điều kiện giải quyết hồ sơ pháp lý cho các hộ dân về nhà, đất, chứ không phải là điều chuyển tài sản nhà nước.
“Nếu điều chuyển tài sản nhà nước thì vì sao UBND tỉnh Nghệ An và UBND TP. Vinh không trực tiếp làm các thủ tục tiếp nhận từ Tổng công ty Đường sắt, mà lại giao cho một doanh nghiệp tư nhân làm việc này?”, các hộ dân đặt câu hỏi.
Việc chỉ định doanh nghiệp đầu tư cải tạo lại chung cư D2 có đúng quy định?
Trước khi Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dịch vụ Bình Minh gửi công văn xin đầu tư, Dự án cải tạo lại chung cư D2 Quang Trung đã được một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn Nghệ An theo đuổi từ năm 2011. Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã hỗ trợ bà con duy tu, bảo dưỡng khu chung cư mỗi khi xảy ra sự cố, nên được các hộ dân rất ủng hộ. Bởi vậy, khi Công ty Bình Minh đến làm việc với cư dân D2 Quang Trung, bà con đã từ chối, không chấp nhận công ty này làm chủ đầu tư dự án.
Bà Nguyễn Thúy Hà, nguyên cán bộ Xí nghiệp Đầu máy Vinh) và bà Trương Thị Mơ, nguyên công nhân Xí nghiệp Đầu máy Vinh phản ánh: “Chúng tôi lên UBND TP. Vinh hỏi vì sao 100% hộ dân chung cư D2 đã đồng tình lựa chọn nhà đầu tư khác rồi, mà bây giờ UBND tỉnh và UBND Thành phố lại chỉ định Công ty Bình Minh? Thành phố trả lời rằng: Chung cư D2 là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, không phải tài sản sở hữu hợp pháp của người dân, nên người dân không được quyền lựa chọn chủ đầu tư theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP”.
Về vấn đề này, Phòng Quản lý Đô thị TP. Vinh lý giải: “Về mặt pháp lý, chung cư D2 vẫn thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đường sắt. Đây là công ty 100% vốn nhà nước, bởi vậy chung cư D2 vẫn đang là tài sản nhà nước. Giấy phân nhà mà các hộ dân đang lưu giữ do Công ty Vận tải đường sắt 3 cấp từ năm 1984 chỉ mang tính chất tạm thời, chưa phải là ngành đường sắt chuyển quyền sở hữu nhà cho cán bộ, công nhân viên”.
60 hộ dân chung cư D2 thắc mắc, khu A, Khu B và Khu C chung cư Quang Trung trước đây cũng là tài sản nhà nước, được phân nhà ở cho cán bộ, công nhân viên thuê trả tiền hàng năm và được Nhà nước quản lý, duy tu bảo dưỡng. Hiện nay, tất cả các hộ dân ở đó đã được mua lại căn hộ đang thuê theo Nghị định 61/1994/NĐ-CP và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Trong khi đó, chung cư D2 suốt hơn 30 năm qua không có cơ quan, đơn vị nào quản lý, người dân phải tự quản, tự góp tiền sửa chữa và tự nộp thuế đất cho UBND phường.
“Nói cách khác, hơn 30 năm qua, nhà chung cư D2 Quang Trung không còn nằm trong danh mục tài sản của ngành đường sắt, nên tài sản đó đương nhiên trở thành tài sản của các hộ dân đang quản lý”, các hộ dân phản ánh.
Các hộ dân cũng cho rằng, theo khoản 2, Điều 101, Luật Đất đai năm 2013, các hộ dân chung cư D2 phải được cấp sổ hồng như các hộ dân khác ở Khu chung cư Quang Trung. Bởi hiện không có ai tranh chấp với các hộ dân chung cư D2, Tổng công ty Đường sắt không những không đòi lại, mà còn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện giải quyết các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi về nhà ở cho các hộ dân là cựu cán bộ, công nhân viên của ngành. Vậy tại sao UBND TP. Vinh không tạo điều kiện giải quyết quyền lợi cho người dân, mà cứ muốn xử lý theo hướng “tài sản nhà nước” để chỉ định Công ty Bình Minh vào làm chủ đầu tư dự án?
Trả lời báo giới, ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết, do các giấy tờ pháp lý về chung cư D2 Quang Trung hiện không đầy đủ, nên việc bàn giao từ Tổng công ty Đường sắt chưa tiến hành được. Phải làm xong thủ tục bàn giao thì mới xem xét đến các vấn đề khác. Công văn của UBND TP. Vinh có nội dung đề nghị UBND tỉnh giao cho một doanh nghiệp đi làm thủ tục tiếp nhận tài sản nhà nước như vậy là không đúng, cần xem xét lại.
“Chung cư D2 như đứa con rơi, cư dân phải chịu thiệt thòi suốt hơn 30 năm qua, giờ nếu không được đảm bảo quyền lợi về nhà ở, thì càng thiệt thòi cho bà con. Thực tế thì ở chung cư D2 đã có nhiều nhà sang tên đổi chủ, nhưng số hộ gia đình là những cán bộ, công nhân viên đã có nhiều đóng góp cho ngành đường sắt ở đó suốt hơn 30 năm qua đến giờ vẫn còn nhiều, một số người từng là cựu thanh niên xung phong, là thương binh trước khi về làm việc ở ngành đường sắt”, ông Hà Thái Sơn, Chủ tịch UBND phường Quang Trung nói.
Hoàng Hảo
Theo Đầu tư Bất động sản