Sau phiên đi lên mạnh mẽ ngày 18/5, chứng khoán châu Á đã biến động không đồng nhất trong phiên giao dịch ngày 19/5
Sau phiên đi lên mạnh mẽ ngày 18/5, chứng khoán châu Á đã biến động không đồng nhất trong phiên giao dịch ngày 19/5.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei để mất 41,26 điểm (0,43%) xuống 9.620,82 điểm, sau khi sau khi các số liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố vào sáng 19/5 cho thấy GDP của nước này trong quý I đã sụt giảm do hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo số liệu chính thức, GDP trong 3 tháng đầu năm 2011của Nhật Bản suy giảm tới 3,7%, mạnh hơn dự kiến chỉ là khoảng -2% được dự liệu trước đó. Tăng trưởng GDP trong quý 2 tới dự kiến cũng sẽ vẫn suy giảm, và nếu như vậy sẽ là quý suy giảm thứ ba liên tiếp, đưa nền kinh tế Nhật Bản rơi trở lại vào suy thoái.
Norihiro Fujito, chiến lược gia cấp cao về đầu tư tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, cho biết thị trường đang kỳ vọng nền kinh tế phục hồi theo hình chữ V, vậy mà các số liệu về GDP trên lại chỉ càng làm các nhà đầu tư thêm lo ngại rằng Nhật Bản sẽ sớm rơ trở lại vào suy thoái. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei không bị giảm quá mạnh nhờ đồng yên yếu đi và giá hàng hóa tăng lên.
Cùng chung xu hướng mất điểm là chỉ số KOSPI của Hàn Quốc với số điểm mất đi là 40,27 điểm (1,89%) và chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải cũng mất 13,20 điểm, tương đương 0,46%, xuống 2.859,57 điểm.
Trong xu hướng ngược lại, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong ghi thêm 152,24 điểm (0,66%) lên 23.163,38 điểm; chỉ số S&P/ASX của thị trường chứng khoán Sydney tăng 62,7 điểm (1,34%) lên 4.756,4 điểm, Singapore ghi thêm 0,80%.
Theo các nhà phân tích, các thị trường tiền tệ và chứng khoán có phản ứng khá nhẹ nhàng trước tin Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn từ chức để chuẩn bị bào chữa cho vụ án liên quan đến tình dục.
Trước đó, trong phiên ngày 18/5, Phố Wall đã tăng điểm vào những phút cuối sau khi có tin cuộc họp bàn về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bàn về cách thức kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD, hay còn được gọi là Chương trình nới lỏng định lượng lần hai (QE2) của Chính phủ Mỹ.
Tâm lý thị trường hiện vẫn chịu sự chi phối từ sự suy giảm lòng tin đối với sức khỏe kinh tế Mỹ, cùng lạm phát tại Trung Quốc và nhiều nước tiếp tục đứng ở mức cao, khiến ngân hàng trung ương các nước này phải tăng lãi suất và thực hiện các biện pháp khác để giải quyết vấn đề mà chưa mang lại hiệu quả mong muốn.
Thùy Chi (Vietnam+)