Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 6/6, do chứng khoán Tokyo chịu sức ép giảm điểm khi cổ phiếu của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) lao dốc, trong khi các số liệu về thị trường việc làm đáng thất vọng của Mỹ cho thấy đà phục hồi chưa vững chắc
Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 6/6, do chứng khoán Tokyo chịu sức ép giảm điểm khi cổ phiếu của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) lao dốc, trong khi các số liệu về thị trường việc làm đáng thất vọng của Mỹ cho thấy đà phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới, dẫn tới những lo ngại của các nhà đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Hoạt động giao dịch ở các thị trường châu Á-Thái Bình Dương diễn ra khá thưa thớt, khi có tới 5 thị trường đóng cửa nghỉ lễ là Thượng Hải, Hong Kong, Seoul, Đài Bắc và Wellington. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 111,86 điểm, hay 1,18%, xuống 9.380,35 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 18/3. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 14 điểm, hay 0,31%, xuống 4569,1 điểm.
Cổ phiếu của TEPCO giảm mạnh nhất trong chỉ số Nikkei-225, với mức giảm 27,62%, sau khi các báo cáo cho thấy công ty này có thể lỗ tới 7 tỷ USD trong tài khóa 2011 (chưa bao gồm khoản chi phí rất lớn bồi thường cho những người bị ảnh hưởng của tình trạng rò rỉ phóng xạ).
Cổ phiếu của TEPCO chốt phiên ở mức 207 yen/cổ phiếu, giảm 79 yen so với phiên cuối tuần trước và cao hơn không đáng kể so với mức thấp trong ngày là 206 yen. TEPCO là một trong những công ty lớn nhất thế giới và đang điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 bị hư hại nặng sau thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3. Hiện có những lo ngại công ty này khó có thể tiếp tục tồn tại trong năm tới, khi thiệt hại sau thảm họa hạt nhân có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.
Theo báo cáo công bố cuối tuần trước, kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm được 54.000 việc làm trong tháng 5 vừa qua, mức thấp nhất trong 8 tháng, cho thấy triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn rất không chắc chắn, dẫn tới nhận định về vòng nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) của Cục Dự trữ Liên bang (FED).
Cùng với sự quan ngại về thị trường việc làm Mỹ, một vấn đề mà các nhà đầu tư đang quan tâm hiện nay là liệu xu thế suy giảm trong lĩnh vực công nghiệp trên toàn cầu có báo trước một tương lai không sáng sủa cho kinh tế toàn cầu hay không.
Số liệu kinh tế gây thất vọng của Mỹ, tương lai của chương trình nới lỏng định lượng của FED và các vấn đề nợ của khu vực đồng tiền chung euro có thể khiến các nhà đầu tư chùn bước, kìm hãm đà đi lên của các thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư đang giảm lượng tiền đổ vào chứng khoán mà thay vào đó đang dành ưu tiên cho thị trường tiền tệ và trái phiếu. Tuy nhiên, trong tuần từ ngày 26/5-1/6, 1,8 tỷ USD từ bên ngoài đã được đổ vào các thị trường chứng khoán khu vực, tương đương khoảng 13% lượng tiền bị rút ra trong 2 tuần trước đó./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)