Sự kiện hot
13 năm trước

Chứng khoán chiều 22/3: Cầu giá cao hơi đuối

Đà kéo lên cuối phiên buổi sáng đã chững lại và chuyển sang suy yếu vào cuối buổi chiều. Đúng như dự đoán, vượt qua tham chiếu không phải là điều dễ dàng khi cung có được mức giá tốt để bán.

Đà kéo lên cuối phiên buổi sáng đã chững lại và chuyển sang suy yếu vào cuối buổi chiều. Đúng như dự đoán, vượt qua tham chiếu không phải là điều dễ dàng khi cung có được mức giá tốt để bán.

VN-Index rơi khá mạnh vào lúc đóng cửa do nhóm blue-chip suy yếu rõ rệt.

Tương quan cung cầu cuối buổi sáng trong trạng thái giằng co khá mong manh và lượng khớp lệnh trên tham chiếu trong phân nửa phiên giao dịch chiều nay không nhiều. Khoảng một giờ giao dịch đầu tiên, những nỗ lực đẩy giá lên cao hơn của người mua không đem lại kết quả khả quan. Có lẽ điều này đã dẫn dụ một lượng lớn nhà đầu tư chấp nhận xả hàng.

HSX trong phiên chiều nay ghi nhận giá trị khớp tăng thêm khoảng trên 300 tỷ đồng và HNX thêm 329 tỷ đồng. Mức gia tăng giá trị tuy lớn nhưng được hình thành chủ yếu trong nhịp giảm trở lại từ sau 1h30. Những cổ phiếu có thanh khoản hàng đầu hai sàn đều khớp mạnh và giá giảm trở lại. Có thể thấy điều này ở MBB, SSI, VCB, EIB hay KLS, PVX, VCG, VND.

Thống kê trên hai sàn cho thấy số lượng cổ phiếu có khả năng giữ được giá đóng cửa ở mức cao nhất đã sụt giảm đáng kể. Cả trên HSX lẫn HNX, số lượng cổ phiếu có tương quan giá này đều rơi xuống mức thấp nhất trong 3 phiên trở lại đây. Giá được kéo lên mức cao vào cuối phiên buổi sáng hoặc những phút đầu phiên chiều để rồi bị ép giảm trở lại là biểu hiện của áp lực cung gia tăng.

Trong xu hướng biến động giá như vậy, những cổ phiếu bị ép xuống quá sâu so với đỉnh, thậm chí là đóng cửa với giá giảm, đi kèm với khối lượng thấp rất có thể là biểu hiện của sức cầu giá cao tương đối cạn, chí ít là trong phiên chiều nay.

Trong nhóm chứng khoán chỉ có các cổ phiếu thị giá thấp còn giữ được đà tăng tốt, thường là kịch trần, của phiên buổi sáng. Tuy nhiên một số mã đã xuất hiện đột biến về khối lượng như AGR, APG, HPC, PSI, SHS, TAS, WSS. Ngược lại, các mã blue-chip như SSI, VND, KLS, BVS, HCM đều chuyển sang giá đỏ.

Nhóm ngân hàng chỉ có HBB, VCB là tương đối tốt, trong đó HBB kịch trần, còn lại STB, MBB, EIB, ACB đều giảm giá ở các mức độ khác nhau. Ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu đóng góp thanh khoản lớn nhất cho hai sàn với xấp xỉ 377 tỷ đồng. Tuy nhiên quy mô khớp lệnh hôm nay đã suy giảm trên 26% so với hôm qua.

Độ rộng của hai sàn cũng không đến nỗi tệ, vẫn còn 126 mã trần và 165 mã tăng giá. Tuy nhiên cơ cấu của độ rộng này lại không thực sự tích cực vì số lượng cổ phiếu thanh khoản yếu kịch trần vẫn chiếm đa số, trong khi các mã thanh khoản tốt và tỏ ra mạnh trong phiên trước đã bắt đầu suy yếu. Riêng nhóm chứng khoán thị giá thấp và nhóm cổ “lin kin” đã đóng góp chủ yếu cho số lượng mã tăng trần hôm nay.

VN-Index đợt đóng cửa hôm nay bị ép xuống khá mạnh, khoảng 2,6 điểm so với cuối đợt khớp lệnh liên tục do nhóm vốn hóa lớn giảm giá. VN30-Index giảm 0,25%, mạnh hơn nhiều VN-Index. BVH đang từ giá trần rơi thẳng về tham chiếu, MSN giảm 0,87%, đồng thời nhiều mã trong nhóm VN30 cũng có đợt đóng cửa rất yếu như SSI, PVD, FPT, EIB, MBB…

Trong giao dịch của khối ngoại, cường độ mua giảm khá nhiều cả về khối lượng lẫn giá trị. Lượng tiền vào HSX qua giao dịch khớp lệnh chỉ còn chiếm 8,4% giá trị thị trường, trong khi bình quân 3 phiên đầu tuần chiếm khoảng 18%. Như vậy lực mua đã suy yếu đáng kể. Riêng nhóm VN30 được khối này mua ròng gần 30,9 tỷ đồng, trong đó STB lớn nhất với hơn 11 tỷ. Các giao dịch mua ròng khác chỉ ở mức bình thường. Quy mô bán ra cũng khá yếu.

Lan Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: