Những thủ thuật "xào nấu" số liệu trong báo cáo tài chính của các công ty đang làm xói mòn hơn nữa niềm tin vốn đã cạn kiệt của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Những thủ thuật "xào nấu" số liệu trong báo cáo tài chính của các công ty đang làm xói mòn hơn nữa niềm tin vốn đã cạn kiệt của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán từng chứng kiến nhiều báo cáo tài chính năm của các công ty niêm yết trên cả hai sàn HOSE và HNX với nhiều kiểu sai số khác nhau: trước kiểm toán lãi, sau kiểm toán lỗ; trước kiểm toán lỗ, sau kiểm toán lãi; trước kiểm toán lãi nhiều, sau kiểm toán lãi ít; trước kiểm toán lãi ít, sau kiểm toán lãi nhiều...
Phải chăng công tác quản trị tại các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng này còn nhiều yếu kém? Phải chăng công tác kiểm toán có vấn đề? Hay nguyên nhân là do doanh nghiệp cố tình điều chỉnh báo cáo tài chính vì mục đích nào đó? Dù với bất cứ lý do nào thì nhà đầu tư, những người sử dụng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên tại những thời điểm khác nhau (trước và sau kiểm toán), đã phải gánh chịu những thiệt hại cho quyết định đầu tư của mình hoặc một nhóm lợi ích nào đó đã được hưởng lợi từ những sự thay đổi như vậy.
Mới đây nhất, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp phản ánh trường hợp, các số liệu trước và sau kiểm toán của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí - Petroland (mã chứng khoán: PTL) đã có sai số quá lớn và bất thường, không chỉ ở báo cáo tài chính năm 2011 mà từ đó còn làm thay đổi cả số liệu của các năm trước. Điều này ảnh hưởng quá lớn đến những nhà đầu tư sử dụng số liệu được cung cấp bởi PTL để ra các quyết định đầu tư trong các năm 2010, 2011 và 2012. Nếu trách nhiệm thuộc về PTL thì phải chăng các nhà đầu tư thua lỗ do sử dụng báo cáo đó có quyền thưa kiện? Ai là người bảo vệ họ?
Một doanh nghiệp mà năm nào cũng thay đổi chính sách kế toán, cho dù là thay đổi chỉ một trong các chính sách kế toán cũng là vấn đề cần xem xét. Ví dụ như, đó là thay đổi cách ghi nhận doanh thu và giá vốn, một chính sách quan trọng, thậm chí rất quan trọng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Vậy nguyên tắc nhất quán trong sử dụng các phương pháp kế toán ở đâu? Tại sao cơ quan kiểm toán lại có thể chấp nhận như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?
Hiện thị trường chứng khoán đang chuẩn bị đón nhận một loạt báo cáo tài chính quý I của các doanh nghiệp niêm yết. Điều đáng nói ở đây là theo qui định, chỉ có báo cáo tài chính bán niên là được soát xét, còn báo cáo quý hoàn toàn do doanh nghiệp tự soát xét. Hơn nữa báo cáo quý I/2012 được các doanh nghiệp phát hành có thể trùng với thời điểm Đại hội cổ đông thường niên của các doanh nghiệp đó, với những vấn đề quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2012 được trình và sẽ phải được thông qua. Điều đáng nói ở đây là: vì mục đích nào đó có thể có doanh nghiệp muốn làm đẹp báo cáo quý I với những con số doanh thu và lợi nhuận khả quan. Nhưng cũng có trường hợp doanh nghiệp cố tình "làm xấu" báo cáo tài chính, làm giảm kết quả kinh doanh quý I nhằm có một kế hoạch kinh doanh năm 2012 đơn giản nhất để thông qua đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012, dẫn đến cuối năm việc hoàn thành kế hoạch rất có lợi cho HĐQT và ban điều hành. Kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán quý I năm nay có thể ở trong tình trạng như vậy.
Việc báo cáo tài chính quý I chỉ do doanh nghiệp tự thực hiện và tự soát xét dẫn tới việc các số liệu trong báo cáo rất dễ được điều chỉnh, bởi báo cáo tài chính năm không phải là phép cộng báo cáo tài chính của các quý trong năm. Việc sai sót trong báo cáo tài chính của một quý nào đó chẳng ảnh hưởng gì đến báo cáo tài chính năm, do vậy doanh nghiệp quá dễ để điều chỉnh các báo cáo tài chính của bất kỳ quý nào trong năm, tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của HĐQT và Ban điều hành. Chỉ có người sử dụng các báo cáo này là có thể bị thiệt hại.
Được biết, vào tháng 2/2012, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất về hệ thống giải pháp cơ bản để ổn định và phát triển thị trường chứng khoán lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, VAFI đề xuất qui định thực hiện soát xét báo cáo tài chính theo từng quý thông qua các đơn vị kiểm toán độc lập đối với tất cả công ty chứng khoán và các công ty đang niêm yết trên sàn giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh.
Cái mà thị trường cần bây giờ là sự minh bạch và tính tuân thủ các chuẩn mực chứ không phải là "làm đẹp" hay "làm xấu" báo cáo tài chính. Chỉ có như vậy thì các công ty mới lấy lại được niềm tin của thị trường.
Theo Doanh nhan