Sự kiện hot
6 năm trước

Chung tay bảo vệ trẻ em gái khỏi xâm hại, ngược đãi

Sự xâm hại và ngược đãi không chỉ làm tổn thương trẻ vào thời điểm diễn ra sự việc mà còn có thể tiếp tục gây tổn thương từ thời điểm đó đến suốt quãng đời còn lại của trẻ.

Do đó, việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn xâm hại và ngược đãi trẻ em luôn là mối quan tâm lớn đối với các cơ quan chức năng hiện nay trên cả nước.

Góc khuất của sự việc

Tình trạng xâm hại và bạo lực trẻ em, trong đó có trẻ em gái trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua không ở mức cao so với các tỉnh thành khác nhưng vẫn là vấn đề cần được quan tâm đối với các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh trên địa bàn thành phố.

  CLB Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ xã Hòa Tiến, TP Đà Nẵng
CLB Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ xã Hòa Tiến, TP Đà Nẵng

Trong đó, theo thống kê, năm 2016 TP Đà Nẵng đã xảy ra 13 vụ, 13 em bị xâm hại; năm 2017 có 16 vụ, 17 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên những con số này chỉ là bề nổi và thực tế vẫn còn có nhiều góc khuất.

Bà Lê Thị Tám - Chủ tịch Hội từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng cho biết: “Thực tế việc này cũng tế nhị lắm, có những vụ xâm hại mà chỉ có công an và chính quyền mới phát hiện, còn các trường hợp kể cả gia đình hoặc ngay cả cộng đồng dân sinh họ cũng muốn che dấu vì sợ ảnh hướng đến tương lai của con sau này”.

Trong rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan thì đáng chú ý nhất trong thời điểm hiện tại là ảnh hưởng của mạng xã hội khi trẻ em dễ dàng tiếp cận và vô tình trở thành nạn nhân của nạn bạo lực và xâm hại.

Tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia khu vực Miền Trung - Tây Nguyên
CLB Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ xã Hòa Tiến, TP Đà Nẵng

Các em tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm cũng là một mối nguy hiểm về cả tinh thần và thể xác. Mạng xã hội nơi có thể tự do đăng tải và chia sẻ trạng thái vì tính chất tự do nên dẫn đến những lời chia sẻ “lố lăng”, những phong trào không hợp với tuổi thiếu nhi, trẻ em đang ở độ tuổi học theo sẽ dễ dàng bắt chước theo những hành vi sai trái đó từ mạng xã hội.

Bà Trương Thị Như Hoa - Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH , TP Đà Nẵng, chia sẻ: “Đây có thể nói là vấn đề đang rất là nổi cộm và nguy cơ rất là cao, thông qua môi trường mạng thì các em cũng có thể trở thành nạn nhân của những vấn đề lạm dụng về mặt tình dục hay là tổn thường và tổn hại về mặt tinh thần rất là sâu sắc”.

Chung tay thay đổi thái độ, hành vi

Với mục tiêu xây dựng 1 thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm tuyên truyền thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng. Trong đó phải kể đến hoạt động của 14 câu lạc bộ nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở các phường xã.

Anh Nguyễn Công Tùng (CLB Nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ xã Hòa Tiến, TP Đà Nẵng) cho hay: “Các hội viên đa phần là những người hội viên hội nông dân, cựu chiến binh cùng với đoàn thanh niên. Đây là những người tiên phong về các buổi hòa giải cũng như ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và em gái trên địa bàn xã Hòa Tiến nói chung và trên các hộ gia đình trên các địa bàn nói riêng. Nắm được kiến thức này thì công tác chăm sóc cho con cái cũng như bảo vệ những trẻ em gái khi thấy được hành động bạo lực hoặc xâm hại đối với các con, em ở học đường và cả ngoài xã hội, mình có thể ngăn chặn kịp thời”.

Hiện nay, tổng đài bảo vệ trẻ em quốc gia khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã được thiết lập tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng và sẽ chính thức hoạt động vào cuối tháng 10 này.

Hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cả cộng đồng, nạn xâm hại bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái sẽ được đẩy lùi trong thời gian sớm nhất.

Yến Nhi
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: