Sự kiện hot
11 năm trước

Chương trình bình ổn hàng Tết của TPHCM: Đau đầu vì giá xăng dầu

Giá xăng, dầu bỗng dưng tăng như “đánh úp” vào dịp mua sắm cuối năm, đã khiến thị trường lao đao. Chương trình hàng bình ổn giá Tết của TPHCM rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, bởi giá cước vận chuyển tăng quá nhiều, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giá hàng…


Liệu hàng bình ổn giá có ổn? Ảnh: Tuấn Vương.

“Méo mặt” với cước vận chuyển

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM bức xúc: “Cách đây hơn hai tháng, chúng tôi đã phải chạy đôn chạy đáo, có công văn và trực tiếp điều đình với các công ty sản xuất thực phẩm, các nhà cung cấp hàng hóa cả nước để thuyết phục họ không tăng giá hàng hóa vào dịp Tết. Chúng tôi dự tính phải dự trữ số lượng hàng hóa lên đến 7-8 ngàn tỷ đồng để cung cấp hàng hóa bình ổn thiết yếu cho người dân TP HCM vào dịp Tết. Nay, “đùng một cái” giá xăng dầu tăng xấp xỉ 600 đồng/lít nên các nhà cung cấp đã buộc chúng tôi phải “ngồi lại” để tính toán lại giá cả của chương trình hàng bình ổn giá vào dịp Tết vì bây giờ giá vận chuyển đã có những thay đổi lớn”.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cũng chia sẻ: “Theo báo cáo nhanh của phòng kinh doanh, trong mấy ngày qua, chúng tôi đã nhận được hàng trăm giấy yêu cầu, điện thoại… của các nhà phân phối mà chúng tôi đã ký hợp đồng mua bán hàng hóa, yêu cầu gặp trực tiếp đại diện của Saigon Co.op để điều đình lại giá cả hợp đồng. Vì chúng tôi đã ký hợp đồng với các nhà phân phối, sản xuất từ Bắc đến Nam nên giá cước vận chuyển là một vấn đề rất lớn trong cấu thành giá hàng hóa. Chúng tôi đang đau đầu vì chưa biết tính làm sao”.

Đau đầu cũng phải vì nếu không điều đình được giá hàng hóa mới (dự tính sẽ tăng khoảng 20%) thì hệ thống Saigon Co.op sẽ gần như tê liệt bởi không có hàng. Còn nếu phải thiết lập mặt bằng giá mới thì Saigon Co.op sẽ lỗ “chỏng gọng” bởi những cam kết về việc không tăng giá, giữ đúng giá bình ổn như đã thông báo trước đây. “Còn nếu áp dụng mặt bằng giá mới thì không biết sức mua của người dân sẽ ra sao trong bối cảnh người dân đang “kiệt quệ” này. Và Saigon Co.op cũng rất “khó ăn, khó nói” với người dân”, ông Nhân than thở.

Mặc dù Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu tăng trong thời điểm cuối năm này sẽ không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa cung ứng trong dịp mua sắm cuối năm, nhưng thực tế, việc các doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá cước đã là một áp lực rất lớn lên cơ cấu giá thành hàng hóa. Việc này khiến các nhà sản xuất và phân phối phải xem xét giá cả các mặt hàng đã thỏa thuận và ký hợp đồng với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ truyền thống…

“Năn nỉ” để tìm mặt bằng giá hợp lý

Không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng đến chương trình bình ổn giá Tết của TP HCM, chương trình “Hàng Việt - Tết Việt”, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi giá cước vận chuyển tăng. Bà Mỹ Trang - đại diện cho hệ thống siêu thị BigC cũng lo lắng: “Trước tình hình các nhà cung ứng, phân phối đang tính toán lại giá thành, chúng tôi cũng buộc phải xem xét cơ cấu lại các chủng loại hàng Tết, nên nhập những loại gì, bỏ bớt thứ gì. Trước mắt, chúng tôi chỉ nhập về với số lượng vừa phải các loại hàng tiêu dùng thiết yếu như: gạo, thịt, trứng, các loại thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn… để người dân lo cái “bao tử” của mình đã”. Bà Trang cho biết thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình “Hàng Việt - Tết Việt” mà hệ thống BigC cả nước đã cam kết tham gia.

Chưa hết, theo ông Tô Tuấn Sơn, Phó Tổng giám đốc Saigontourist thì, hàng loạt các chương trình du lịch trong nước vào mùa cuối năm, dịp Tết mà đơn vị đang triển khai, chào mời cũng đang phải xem xét lại cơ cấu giá cho hợp lý, vì giá cước vận chuyển, đi lại trong các tour đã chiếm đến 30% giá thành. “Chắc chắn, khi chào giá cao hơn mọi năm vào dịp Tết, du khách sẽ phải cân nhắc giữa nhu cầu và túi tiền của mình. Trong tình cảnh kinh tế khó khăn, họ sẽ không đi du lịch để tiết kiệm cho một kỳ nghỉ Tết dài cả chục ngày và cho cả những nhu cầu chi tiêu sau Tết nữa”, ông Sơn nhận định.

Còn theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào thì chương trình bình ổn giá Tết với hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của TP HCM chắc chắn sẽ “thiếu trước hụt sau” nếu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại không điều đình được với các nhà sản xuất, cung ứng và phân phối. Đây là điều mà thành phố rất lo, vì khi một số mặt hàng thiết yếu nào đó khan hiếm thì sẽ xảy ra tình trạng “găm hàng, tăng giá” của một số người bán. Từ đó sẽ xảy ra tình trạng loạn giá, làm đảo lộn và khốn khó thêm cho cuộc sống người dân. Bà Đào cho biết, sau khi giá cước vận chuyển tăng đột ngột, Sở Công Thương TP HCM đang tìm đủ mọi cách để giúp các doanh nghiệp điều đình với các chủ hàng, nhà phân phối để tìm ra một mặt bằng giá cả hợp lý, nghĩa là “năn nỉ” các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, để tìm ra giá cước mà… “mỗi bên chịu thiệt” một chút. Tìm ra mặt bằng giá này, mới hy vọng đảm bảo sự cung ứng hàng hóa cho chương trình bình ổn giá Tết, để người dân có một cái Tết bớt “eo hẹp” hơn.

Quốc Định
theo GĐ&XH

Từ khóa: