Nhu cầu tất yếu của sự chuyển đổi
Việc sử dụng thẻ từ trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ một số nhược điểm, như dễ bị lộ dữ liệu cá nhân, dễ bị làm giả và tiện ích đi kèm chưa phong phú. Bên cạnh đó, tình hình rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán thẻ tại thị trường Việt Nam gần đây đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các hành vi gian lận như trộm cắp thông tin thẻ để làm thẻ giả, lấy cắp thông tin khách hàng qua các trang web rác, các trang web giả mạo, gian lận trong các giao dịch thanh toán trực tuyến, ATM skimming... ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, tội phạm thẻ đang có xu hướng chuyển từ các nước phát hành và thanh toán thẻ chip sang các nước phát hành và thanh toán thẻ từ, trong đó có Việt Nam.
|
Để các ngân hàng có tiêu chuẩn chung, xây dựng lộ trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đạt kết quả tốt nhất, NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Một trong những thay đổi quan trọng là bổ sung quy định việc áp dụng Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của NHNN đã ban hành (Quyết định số 1927/QĐ-NHNN) trong hoạt động phát hành, thanh toán thẻ ngân hàng. Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định viện dẫn việc tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đối với các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ.
Xét về ưu điểm vượt trội so với thẻ từ của thẻ chip EMV, đại diện phía Vụ Thanh toán cũng thông tin thêm, chuẩn EMV là một bộ tiêu chuẩn dựa trên tiêu chuẩn quốc tế quy định về các đặc điểm kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực phát hành và thanh toán thẻ ngân hàng, đưa ra các tiêu chuẩn, yêu cầu tối thiểu cho các hệ thống thanh toán thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Chuẩn EMV có các tính năng mở nhằm đảm bảo khả năng vận hành liên thông giữa thẻ chip EMV và thiết bị đầu cuối thanh toán tương thích (có khả năng vận hành liên thông ngang với mức liên thông hiện nay của dải từ), không phân biệt nhà sản xuất và địa điểm thực hiện giao dịch. Cho đến nay, EMV đã được chứng minh bởi tính an toàn, bảo mật và được chấp nhận như một tiêu chuẩn toàn cầu dành cho hoạt động thanh toán thẻ chip.
Theo đơn vị soạn thảo, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam là một nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Qua đó góp phần vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, chống giả mạo, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ. Việc này cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng các dịch vụ cho thẻ tại Việt Nam. Chuyên gia cũng nhận định, việc chuyển đổi sẽ tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng, bảo đảm cho các thành viên thị trường có thể liên kết, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ liên quan tới phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ.
Lộ trình phù hợp
Bên cạnh quy định áp dụng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, nội dung được quan tâm nhất tại dự thảo là lộ trình chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip. Cụ thể sẽ hoàn thành chuyển đổi phía tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) trước: Đến cuối tháng 12/2019, ít nhất 75% ATM, 100% POS đang hoạt động tại Việt Nam của các TCTTT phải chấp nhận thẻ chip tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Và đến cuối tháng 12/2021, 100% ATM/POS đang hoạt động và lắp đặt mới tại Việt Nam của các TCTTT phải chấp nhận thẻ chip tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) hoàn thành chuyển đổi sau: cuối tháng 12/2020, ít nhất 30% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; cuối tháng 12/2021, ít nhất 60% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; cuối tháng 12/2022, 100% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của TCPHT tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.
Dự thảo thông tư cũng xem xét, cân nhắc khả năng các ngân hàng, đặc biệt là lộ trình chuyển đổi cho các khách hàng hiện hữu, chuyển đổi sẽ được thực hiện theo từng bước để giảm áp lực tài chính cho ngân hàng và khách hàng cũng như có thời gian để tiếp cận đầy đủ thông tin.
Theo báo cáo, hiện phần lớn các thiết bị ATM/POS tại Việt Nam đã chấp nhận thẻ chip (trên 57% ATM và trên 95% POS đã chấp nhận thẻ chip); trên 40% thẻ quốc tế đã phát hành là thẻ chip EMV. Nhiều TCPHT, TCTTT tại Việt Nam đã có kinh nghiệm nhất định trong việc triển khai phát hành, nâng cấp thiết bị ATM/POS chấp nhận thẻ chip EMV cũng như phát hành thẻ chip EMV. Kết quả triển khai thí điểm cho thấy, các quy định kỹ thuật tại Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN công bố là khả thi trên môi trường thực tế.
“Lộ trình chuyển đổi được quy định căn cứ cơ sở thực tế báo cáo của các TCPHT, TCTTT gửi NHNN và thực tế triển khai thí điểm Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa của các đơn vị”, cơ quan soạn thảo cho biết.
Một chuyên gia về bảo mật đánh giá, Bộ Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên quy định chi tiết và đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa tại Việt Nam theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc được NHNN xây dựng theo hướng tương thích với chuẩn EMV. “Bộ Tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ NH, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ. Lộ trình mà Dự thảo Thông tư đặt ra cũng tương đối phù hợp”, vị này cho hay.
Được biết, NHNN thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan (như Bộ Giao thông, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan) nghiên cứu, mở rộng ứng dụng thẻ chip hỗ trợ cho phát triển các hệ thống ứng dụng Internet Banking, thương mại điện tử, thanh toán tầm gần (NFC), cũng như cho phép sử dụng để trả phí giao thông.
Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam là một nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Qua đó góp phần vào việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, chống giả mạo, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ. Việc này cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng các dịch vụ cho thẻ tại Việt Nam. |