Với số tiền còm gia đình chu cấp không thể "thiên biến vạn hóa" theo giá cả thị trường, sinh viên lại hụt hơi tìm cách chống chọi với "bão giá".
"Điều chỉnh" theo giá xăng dầu, chủ trọ lại hùa nhau tăng giá phòng, giá điện, giá nước. Với số tiền còm gia đình chu cấp không thể "thiên biến vạn hóa" theo giá cả thị trường, sinh viên lại hụt hơi tìm cách chống chọi với "bão giá".
Lục đục chuyển nhà
Lấy lý do xăng tăng giá, tất cả các mặt hàng đều tăng, nhiều xóm trọ trên địa bàn Hà Nội cũng rục rịch tăng giá theo. Sinh viên không chịu được cảnh "chặt chém" của chủ trọ lại phải loay hoay tìm khu trọ mới với mức giá dễ chịu hơn.
Các khu trọ ở xa trung tâm thành phố như Cổ Nhuế, Nhổn, Văn Điển,... có giá ở mức phải chăng đang được nhiều sinh viên "nhăm nhe".
Nguyễn Thị Quỳnh (ĐH Luật Hà Nội) đang trọ trong một con ngõ nhỏ trên phố Thái Thịnh cho biết, giá xăng vừa tăng là chủ trọ cũng thông báo tăng giá phòng, giá điện, bắt đầu từ tháng 3. Không "gánh" nổi giá mới, Quỳnh với cô bạn cùng phòng đành tìm phòng chuyển về Hà Đông trọ.
|
Chủ trọ tăng giá, sinh viên lục đục chuyển ra khu vực ngoại thành (Ảnh La Hoàn)
|
Quỳnh than thở: "Ở xóm trọ chưa được một năm mà chủ trọ đã hai lần tăng giá. Từ một triệu lên một triệu hai, một triệu hai lên một triệu tư. Bây giờ lại đòi tăng lên một triệu sáu. Lần trước tăng đã chật vật lắm rồi, lần này có chắt bóp cũng khó mà chịu nổi, đành chuyển nhà thôi".
"Chuyển ra Hà Đông đi học xa một chút, nhưng phòng rẻ mà rộng. Nghe nói chợ gần đó bán thực phẩm cũng rẻ hơn trong nội thành", Quỳnh nói thêm.
Nếu như trước kia với 1,2 triệu đồng gia đình gửi hàng tháng, Mỹ Linh (ĐH Quốc gia Hà Nội) vẫn có thể thu xếp chi trả cho các khoản sinh hoạt. Bây giờ chủ trọ đòi tăng tiền phòng, tiền điện, lại không dám xin thêm tiền gia đình nên Linh chọn cách "đi học xa nhưng giá nhà rẻ".
Đang phấn khởi vì tìm được phòng ở Cổ Nhuế với mức giá 1 triệu đồng, Linh lại ỉu xìu ngay khi nghe tin xóm trọ này cũng bắt đầu tăng giá lên 1,2 triệu đồng. Đi không đặng mà ở cũng không xong, Linh đành chia tay cô bạn cùng phòng chuyển về nhà bác ở tạm.
"Nhà bác chật, mình cũng không muốn nhờ vả nhưng chưa tìm được phòng giá hợp lý nên đành "mặt dày" đến ở tạm thôi. Đứa bạn cùng phòng mình cũng đành tá túc ở phòng một người bạn. Khi nào tìm được phòng vừa giá thì hai đứa lại ra ở chung", Linh chia sẻ.
Giải thích cho việc liên tục tăng giá phòng trọ, cô Chung, chủ xóm trọ ngõ 337 Xuân Thủy cho biết, cô buộc phải tăng giá mới đủ tiền chi phí cho sinh hoạt gia đình vì tất cả các mặt hàng đều tăng giá. "Xóm nào cũng tăng chứ có phải riêng mình cô tăng đâu. Người ta tăng thế nào thì cô tăng thế ấy", cô nói.
Bỏ xe máy đi xe đạp
Ngán ngẩm cảnh xe bus chen chúc và thường xuyên đi học muộn, Nguyễn Văn Tân (ĐH Điện lực) năn nỉ mãi rồi bố mẹ cũng mua cho chiếc xe máy. Cứ tưởng có xe rồi thì sẽ hết lo đi học muộn, ai ngờ lại "đẻ thêm" khoản lo tiền xăng, tiền gửi xe.
Bây giờ xăng tăng giá, tiền gửi xe cũng tăng, lại có người bạn cho chiếc xe đạp cũ, Tân quyết định cho xe máy nghỉ ngơi để đi xe đạp.
Tân bày tỏ: "Xăng tăng thì đã đành, đằng này tiền gửi xe cũng tăng từ 2.000 đồng lên 3.000 đồng. Thậm chí có nơi còn lấy đến 5.000 đồng một lần gửi. Ngày đi vài nơi thì tiền gửi xe bằng tiền đổ cả bình xăng. Thôi thì đi xe đạp cho... lành".
|
Chịu khó "bon chen" lên xe bus nhưng tiết kiệm xăng xe (Ảnh Dương Hoàng)
|
Tân cũng cho biết, mỗi ngày cậu chịu khó đạp xe tầm 30 phút đến trường là đã tiết kiệm được 10-15 nghìn tiền xăng và gửi xe. "Hằng ngày đi học thì đi xe đạp, khi nào đi xa thì dùng xe máy. Tính ra mỗi tháng cũng tiết kiệm được kha khá đấy", Tân nói.
Là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vừa đi thực tập vừa đi làm thêm nên Hồng Thắm "bắt buộc" phải đi xe máy. Có ngày đổ đầy một bình xăng mà đi hết hơn nửa, mỗi chỗ vài nghìn tiền gửi xe thì cả ngày chiếc xe cũng ngốn hết của Thắm 20.000-30.000 đồng. Còn chưa kể mỗi tháng 60.000 tiền gửi xe qua đêm nữa.
Hãi hùng với số tiền chi ra khi đi xe máy, Thắm đành dán tem và quay về "thời đi xe bus", chỉ khi nào thật sự cần thiết Thắm mới đi xe máy. "Đi xe bus thì phải dậy sớm mới không bị muộn giờ làm thêm, nhưng tiết kiệm hơn nhiều. Đứa bạn cùng phòng cũng đang tính hai đứa góp tiền mua cái xe đạp cũ để đi chợ cho tiện. Xe máy thì lúc nào cần lắm mới đi", Thắm chia sẻ.
Giá cả không ngừng leo thang nhưng "viện trợ" của bố mẹ thì có hạn, từ bữa cơm đến các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của sinh viên đều bị cắt xén, giảm thiểu những khoản chi tiêu đến mức tối đa.
"Chả biết đến bao giờ mới quay lại cái thời năm nhất, ăn suất cơm đủ thịt cá mà chỉ có 6.000 đồng. Bây giờ số tiền ấy chỉ đủ hai lần gửi xe", Thắm bùi ngùi.
Theo Vietnamnet