Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới BĐS để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường BĐS nói chung và quản lý hoạt động môi giới BĐS nói riêng.
Cử tri tỉnh Long An đặt vấn đề, hiện nay tình trạng “cò đất” hoạt động công khai, dù chưa được pháp luật công nhận và điều chỉnh.
Trả lời việc này, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về kinh doanh bất động sản (BĐS) hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS, trong đó có dịch vụ môi giới BĐS.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất“ như cử tri đã đề cập. Đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới.
Qua đó, để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đốn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường BĐS nói chung, hoạt động môi giới BĐS nói riêng để đảm bảo thị trường BĐS phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường BĐS nói chung và quản lý hoạt động môi giới BĐS nói riêng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, hoạt động môi giới BĐS hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập.
Theo ông Hưng, pháp luật về môi giới BĐS quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới BĐS. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới BĐS mà chỉ tham gia một số khóa học ngắn hạn do các trung tâm không uy tín đào tạo để học lướt qua các kiến thức nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
“Thậm chí, có hiện tượng còn bỏ tiền “mua” chứng chỉ, không có hiểu biết về nghề môi giới”, ông Hưng nói.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã có quy định điều chỉnh đầy đủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS, trong đó có hoạt động môi giới BĐS và người hành nghề môi giới BĐS.
Điều 62 của Luật đã quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; trường hợp cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Năm 2015, Bộ trưởng Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Thông tư có quy định các nội dung về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS; quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Bên cạnh đó, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Điều 58 của nghị định này đã quy định cụ thể biện pháp xử lý các vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ BĐS, trong đó có quy định xử lý vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Chu Ký
Theo Nhà đầu tư