Sự kiện hot
11 năm trước

Cơ hội cho sữa nội “lên ngôi”

Trước những thông tin về chất lượng sữa ngoại thời gian gần đây, một bộ phận người tiêu dùng đã thức tỉnh. Thị trường sữa đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, người tiêu dùng đã có sự lựa chọn thông minh hơn.

Trước những thông tin về chất lượng sữa ngoại thời gian gần đây, một bộ phận người tiêu dùng đã thức tỉnh. Thị trường sữa đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, người tiêu dùng đã có sự lựa chọn thông minh hơn.

Sữa ngoại được “nuông chiều”

Hiện ở Việt Nam có hơn 200 DN nhập khẩu sữa. Tuy nhiên, thị trường sữa vẫn không có sự cạnh tranh và có sự bắt tay nhau để tăng giá một cách chóng mặt. Theo thống kê của VCCI, mỗi năm trung bình có 2 đến 3 đợt tăng giá sữa. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2007 – 2010, giá sữa “nhảy múa” tới 16 lần. Còn trong năm 2013, mới 6 tháng đầu năm, sữa đã tăng giá đến 3 lần, mỗi lần tăng từ 5-10% giá bán. Thậm chí, một số loại sữa còn tăng 13-14%.


Người tiêu dùng đã có sự lựa chọn thông minh hơn

Để không phải giải trình lý do tăng giá với Bộ Tài chính, các DN phân phối sữa ngoại đã dùng nhiều chiêu để qua mặt cơ quan quản lý nhà nước như đổi tên sữa thành “sản phẩm dinh dưỡng” hay “thực phẩm bổ sung”… Một nguyên nhân khác khiến giá sữa không quản lý nổi bởi mỗi nhãn hiệu sữa lại đăng ký kê khai giá ở một nơi khác nhau. Theo quy định hiện hành, giá sữa được đăng ký tại sở tài chính nào thì sở đó mới có thẩm quyền quản lý, điều chỉnh giá. Đây là điều kiện để các hãng sữa có thể lách luật để tăng giá.

Mặc dù luôn có giá cao gấp đôi so với sữa nội,  nhưng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng một thời gian dài đã khiến cho sữa ngoại được “nuông chiều”. Ví dụ sau hàng loạt vấn đề về sữa ngoại trong thời gian qua, vậy mà ngay chính sản phẩm của Abbott (một hãng đang thu hồi sản phẩm tại Việt Nam vì nghi nhiễm khuẩn) cũng vẫn “đánh tiếng” tiếp tục lộ trình tăng giá trong tháng 8 và tháng 9. Trong khi đó, tại Trung Quốc, với chính sách thẳng tay “bảo hộ” nhà sản xuất trong nước, các cơ quan chức năng đã có chương trình điều tra giá sữa. Ngay lập tức, Abbott thông báo sẽ giảm 12% giá sữa công thức cho trẻ, hãng Danone và Nestle cũng giảm giá 20%. Kéo theo một số hãng sữa ngoại khác cũng thông báo đang điều chỉnh giá bán như Công ty liên doanh Nestle SA hay hãng sản xuất Royal FrieslandCampina NV.

Sữa nội không thua kém sữa ngoại

Theo TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, kết quả phân tích thành phần của các loại sữa nhập ngoại và sữa nội cho thấy, sữa nội không thua kém về chất lượng so với sữa ngoại, nhất là các thành phần chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất.

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Phó Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: Qua kết quả phân tích cho thấy, chất lượng đạm, đường béo giữa sữa nội và sữa ngoại là tương đương.  Ngoài ra, các nhà sản xuất sữa của Việt Nam cũng đã bổ sung các thành phần về vitamin, khoáng chất, DHA, Omega 3… vào sữa  để phù hợp với nhu cầu phát triển bình thường với thể lực trẻ em Việt Nam.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Viện dinh dưỡng quốc gia, so sánh 2 nhóm trẻ: một nhóm sử dụng sữa ngoại và một nhóm sử dụng sữa nội, cho thấy nhóm trẻ sử dụng sữa nội cho kết quả phát triển tương đương về mặt chiều cao, và hiệu quả hơn về mặt cân nặng so với nhóm trẻ uống sữa ngoại.

Vì thế, theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, để chọn được sữa tốt cho con thì vấn đề không phải ở nhãn hiệu hay giá tiền mà là loại sữa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và hợp với con trẻ. Bên cạnh đó cũng nên chú ý đến hàm lượng các dưỡng chất cơ bản như chất đạm, canxi, chất béo, calorie… để bảo đảm cung cấp đầy đủ dưỡng chất hàng ngày cho trẻ, chứ không phải lựa chọn sữa dựa trên hàm lượng các thành phần bổ sung.

Trước những thông tin về chất lượng sữa ngoại thời gian gần đây, một bộ phận người tiêu dùng đã thức tỉnh. Thị trường sữa Việt Nam đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, người tiêu dùng đã có sự lựa chọn thông minh hơn.

Đây cũng là cơ hội để các DN sữa nội chứng minh về chất lượng sản phẩm của mình. Một số DN đã gửi email yêu cầu tập đoàn Fonterra phải trả lời chính thức bằng văn bản xác nhận việc không bán sản phẩm có nguyên liệu whey protein nhiễm khuẩn cho DN mình, đồng  thời gửi văn bản yêu cầu Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan hải quan - nơi tiếp nhận hàng hoá nhập khẩu phối hợp, rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của từng DN trong ngành sữa. Ngoài ra, cũng yêu cầu cục phải sớm công bố thông tin DN nào có liên quan để người tiêu dùng biết, qua đó đưa ra lựa chọn chính xác nên mua sản phẩm nào cho an toàn.

Nhiều DN sản xuất sữa nội cũng đang chú trọng việc mở rộng quy mô, đầu tư mạnh mẽ vào các công nghệ máy móc hiện đại. Với những chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, các DN sữa nội đang dần lấy lại thị phần từ tay các hãng sữa ngoại.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, nhận xét: Nếu sữa nội lên ngôi và sữa ngoại mất dần thị phần thì sẽ giúp giảm bớt tình trạng trốn lậu thuế. Hơn nữa, để hạn chế nhập siêu về lâu dài, không còn cách nào khác là phải tăng cường sản xuất trong nước cả về chất, lượng và quan trọng hơn là phải tìm được thị phần khách cho hàng nội. 

Bảo Nam
theo Công Lý

Từ khóa: