Đối với lĩnh vực bất động sản, một số chính sách gỡ vướng đã được quy định trong Nghị định 42.
Ảnh minh họa: Internet.
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Nhiều ý kiến đánh giá, những chính sách gỡ vướng cho xử lý nợ xấu không chỉ giúp ngành ngân hàng giải quyết nợ tồn đọng, mà còn là cơ hội cho các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản.
Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với dự án bất động sản là tài sản đảm bảo, luật pháp cho phép chủ đầu tư thế chấp dự án từ rất sớm, khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi chủ đầu tư không trả được nợ, ngân hàng muốn xử lý tài sản bảo đảm, phát mại thì lại yêu cầu phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trên thực tế nhiều dự án chưa có Giấy chứng nhận, mới chỉ dừng lại ở giai đoạn có quyết định giao đất. Vì thế, các ngân hàng không thể xử lý được tài sản bảo đảm là dự án.
Trong trường hợp chủ đầu tư không thể tái cơ cấu để có năng lực tài chính tiếp tục trả nợ ngân hàng và thực hiện dự án thì dự án vẫn bị “treo” ở đó. Quyền lợi của nhiều khách hàng đã nộp tiền cũng bị ảnh hưởng. Ngân hàng không xử lý được nợ, trong khi dư nợ đối với dự án thường là rất lớn.
Điểm quan trọng nhất là Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án trong trường hợp đáp ứng các điều kiện: đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, có quyết định giao đất, cho thuê đất, không có tranh chấp; không đang bị kê biên, không bị thu hồi dự án, thu hồi đất.
Đối với bất động sản nói chung, một số chính sách gỡ vướng khác cũng được quy định trong Nghị định 42. Chẳng hạn, Nghị định cho phép tổ chức tín dụng được bán các khoản nợ xấu mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên. Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin còn bên mua sẽ tự xác định rủi ro.
Theo ông Sơn, khi mua nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai, bên mua được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp và kế thừa quyền, nghĩa vụ từ các tổ chức tín dụng.
Một cơ chế khác là việc áp dụng thủ tục rút gọn khi giải quyết các tranh chấp tại Tòa án. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Techcombank, đây là quy định quan trọng và rất được các ngân hàng mong đợi. Thông thường, việc giải quyết một vụ tranh chấp tại tòa án có thể khiến ngân hàng mất từ 1 - 3 năm hoặc một số trường hợp có thể kéo dài hơn nữa. Với việc áp dụng cơ chế thủ tục rút gọn, vụ tranh chấp có thể rút ngắn dưới 1 năm.
Cùng với việc giải quyết nhanh gọn các tranh chấp về giao tài sản bảo đảm hoặc là quyền phát mại tài sản bảo đảm, chắc chắn có nhiều bất động sản hấp dẫn được đưa vào giao dịch trên thị trường.
Ngày 15/8 tới đây, Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ có hiệu lực, ngành ngân hàng đã tổ chức hội nghị triển khai để sớm các nội dung chính sách mới vào thực tiễn. Với quyết tâm giải quyết nợ xấu của ngành ngân hàng, nhiều dự án bất động sản có cơ hội tìm được chủ đầu tư mới và có thể sớm hồi sinh trở lại.
Bùi Trang
Theo Đầu tư Bất động sản