Sự kiện hot
13 năm trước

Cổ phiếu blue-chip mất giá quá đà

Cho đến nay, phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm blue-chip trên cả hai sàn đều đã giảm giá mạnh, trong đó, có những mã đã giảm đến gần một nửa. Liệu có phải vì yếu tố thị trường mà blue-chip đã bị đánh giá sai hay vì những yếu tố nội tại DN?

Cho đến nay, phần lớn cổ phiếu thuộc nhóm blue-chip trên cả hai sàn đều đã giảm giá mạnh, trong đó, có những mã đã giảm đến gần một nửa. Liệu có phải vì yếu tố thị trường mà blue-chip đã bị đánh giá sai hay vì những yếu tố nội tại DN?


Nhiều cổ phiếu như KDC, POM, GMD, SJS… hiện đang giao dịch dưới giá trị sổ sách

Đồng loạt "tuột dốc"

Kể từ tháng 9 đến nay, giá của hầu hết các cổ phiếu blue-chip đều giảm, với mức giảm trung bình khoảng 10% - 35%. Trong đó, giảm mạnh nhất phải kể đến các cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính như BVH (giảm 30%), SSI (giảm 22,3%), các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bất động sản như SJS (giảm 48%), HAG (giảm 35,6%)… Đặc biệt, sau nhiều phiên giảm điểm, một số cổ phiếu đã phải giao dịch về dưới mệnh giá như SAM, ITA, PVF…

So với đà giảm của VN-Index (giảm 12,7%) và HNX-Index (17,4%) thì mức giảm của các cổ phiếu kể trên đã vượt xa. Thậm chí, những cổ phiếu như KDC, POM, GMD, SJS… hiện đang giao dịch dưới giá trị sổ sách. Theo số liệu từ CTCK Tân Việt, nhiều mã blue - chip đang được định giá rẻ như VNM, HAG, DPM, VHC…

Muôn vẻ "hãm phanh" của DN

Diễn biến sụt giảm của cổ phiếu blue-chip khiến nhà đầu tư vốn e dè càng thêm thận trọng, các DN cũng lo âu không kém bởi như đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus: "sự lên xuống của giá cổ phiếu trên thị trường có liên quan trực tiếp đến các kế hoạch gọi vốn của DN".

Để cứu giá cổ phiếu, một số DN như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (STB), CTCP Đầu tư khu công nghiệp dầu khi - Idico Long Sơn (PXL)… đã có động thái đăng ký mua vào cổ phiếu quỹ với khối lượng lớn. Mới đây nhất, trước diễn biến giá cổ phiếu của Công ty liên tục giảm sàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), ông Lê Viết Hải đã có thư gửi cổ đông, CBNV khẳng định tình hình kinh doanh của Công ty vẫn bình thường và HBC vẫn trúng thầu các dự án có điều kiện hợp đồng an toàn. Đặc biệt, để củng cố thêm niềm tin nơi nhà đầu tư, chiều 18/11/2011, HĐQT HBC đã thông qua nghị quyết mua thêm 500.000 cổ phiếu quỹ.

Không riêng HBC, nhiều DN như CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Dược phẩm Hậu Giang (DHG)… cũng tìm cách đưa nhiều thông tin về hoạt động của công ty với mong muốn nhà đầu tư yên tâm khi nắm giữ cổ phiếu của công ty mình. Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TDH cho biết, dù Công ty đang thua lỗ nhưng tình hình không đáng ngại vì các dự án mà TDH đang xây dựng đều là những dự án tiềm năng và có khả năng tạo ra dòng tiền như dự án Cantavil Premier liên kết với Daewoon Hàn Quốc (đã bán gần 70%). Hiện vấn đề của TDH chỉ là phải tìm vốn thay thế cho khoản 400 tỷ đồng trái phiếu chưa phát hành hết. Dự kiến, TDH sẽ tạm ngừng một số dự án như dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Huế hay sẽ thoái vốn khỏi một số dự án dài hạn, thoái vốn ở một số khoản mục đầu tư để có vốn cho các dự án trọng điểm. Trong năm 2012, chiến lược của Công ty là liên kết với một số DN có sẵn quỹ đất, đặc biệt là đất nhà xưởng để tránh giải tỏa đền bù phức tạp. Mặt khác, TDH cũng đang cùng các đơn vị tư vấn nghiên cứu để tìm ra một công thức sao cho đảm bảo căn hộ có diện tích khoảng 40 - 50 m2, với mức giá khoảng 400 - 500 triệu đồng, một phân khúc có nhu cầu thực sự nhưng chưa được chú ý.

Lý lẽ của thị trường

Sự cởi mở và minh bạch thông tin từ các DN đã ít nhiều giúp giá một số mã cổ phiếu thoát khỏi tình trạng lao dốc không phanh, giá cổ phiếu STB, HBC đã tăng trở lại. Tuy nhiên, diễn biến thực tế luôn cho thấy, thị trường có những lý lẽ riêng.

Bằng chứng là kể cả khi lãnh đạo TDH công khai chiến lược của mình, cổ phiếu TDH vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Bởi trong mắt giới đầu tư, khó khăn của ngành bất động sản vẫn hiện hữu. Trong khi đó, cùng thuộc nhóm cổ phiếu blue-chip nhưng phong độ của VNM chưa bao giờ giảm sút. Giá cổ phiếu VNM dù ở mức cao nhất thị trường (trên 120.000 đồng/CP) nhưng vẫn tăng đều đặn. Hay như FPT vẫn là đích ngắm của không ít tổ chức ngoại. Lý do vì đây là những DN vững mạnh và có tiềm năng tăng trưởng.

Điều này nói lên sự phân hóa trong nhóm blue-chip, đồng thời phát đi thông điệp, nếu DN tốt thực sự, kinh doanh trong những ngành nghề triển vọng, cổ phiếu đó vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng, bất kể diễn biến thị trường ra sao. Giám đốc một số quỹ đầu tư chia sẻ, dòng tiền vẫn hiện diện, nhưng có sự khắt khe hơn ngay cả với các cổ phiếu thuộc hàng blue-chip.

Ngọc Thủy
Theo DTCK
 

Từ khóa: