Cổ phiếu thủy sản lội ngược dòng
Minh chứng là, ở những phiên thị trường tăng điểm, rất nhiều cổ phiếu thủy sản nằm trong nhóm tăng mạnh nhất, nhiều cổ phiếu thậm chí tăng hết biên độ. Trong khi đó, ở thời điểm thị trường đi xuống, các cổ phiếu ngành thủy sản chỉ giảm nhẹ, với tốc độ giảm chậm hơn mức trung bình toàn thị trường.
Trong hơn 1 tháng qua, thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn khá ảm đạm. Từ giữa tháng 9, chỉ số VN-Index đã tuột mất gần 15%, từ mốc hơn 470 điểm vào phiên ngày 15/9 đến nay chỉ còn xấp xỉ 410 điểm. Tuy nhiên, điểm qua diễn biến giá của một số cổ phiếu thủy sản từ ngày 15/9 đến nay có thể thấy, bất chấp sự tuột dốc chung của thị trường, giá các cổ phiếu thủy sản vẫn giữ được mặt bằng như 1 tháng trước đó, thậm chí, một số cổ phiếu vẫn có xu hướng tăng nhẹ.
Chẳng hạn, giá cổ phiếu ABT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre phiên ngày 15/9 là 37.500 đồng/cổ phiếu, thì hiện đang giao dịch quanh mốc 40.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, HĐQT ABT thông qua phương án tạm ứng cổ tức đợt 3 bằng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán 15% trên mệnh giá. Thời gian dự kiến thực hiện vào tháng 11/2011.
Tương tự, cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Cửu Long - An Giang cũng là một cổ phiếu ngược dòng trong hơn 1 tháng qua. Theo đó, nếu như phiên ngày 15/9, cổ phiếu này giao dịch ở mức khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu (tính trên giá đã điều chỉnh do chia cổ tức), thì hiện tại, cổ phiếu này đang dao động quanh mức gần 18.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu AGF của CTCP Thủy sản An Giang (Agifish) cũng có được đà đi lên khá tốt trong đợt thị trường suy thoái vừa qua. Cụ thể, trong phiên ngày 15/9, cổ phiếu AGF đạt 18.300 đồng/cổ phiếu, thì hiện đang giao dịch trên 23.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc Agifish cho biết, 9 tháng đầu năm nay, Agifish đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận đạt gấp rưỡi kế hoạch đề ra cho cả năm.
Agifish ước tính doanh thu 9 tháng của Công ty đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng, chưa kể khoản thu từ việc bán tòa nhà tại TP.HCM. Ông Ký cho biết, khoản thu ước 42 tỷ đồng từ thanh lý tài sản này sẽ được hạch toán vào cuối năm 2011.
Một số cổ phiếu thủy sản khác tuy không lội ngược dòng như những cổ phiếu trên, nhưng vẫn giữ được sức cầm cự, không bị cuốn theo đà giảm giá chung của thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn từ cách đây hơn 1 tháng cho đến nay vẫn cầm cự quanh mốc 33.000 đồng cổ phiếu (tính trên giá đã điều chỉnh do chia cổ tức). Mới đây, Vĩnh Hoàn đã quyết định góp vốn thành lập một công ty con 100% vốn Vĩnh Hoàn, với số vốn 50 tỷ đồng tại tỉnh Đồng Tháp. Công ty này chuyên nuôi trồng và chế biến thủy sản, mua bán thủy sản, máy móc thiết bị, vật tư; sản xuất, mua bán thức ăn gia súc gia cầm, sản xuất bao bì...
Tương tự, cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng giữ được mặt bằng giá khoảng trên 11.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 1 tháng qua. Trước đó, cổ phiếu này đã có một nhịp tăng giá khá ấn tượng từ mức khoảng 9.000 đồng lên trên 11.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, việc dòng vốn tập trung vào nhóm các cổ phiếu thủy sản có thể được giải thích do đây là nhóm ít chịu ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của năm 2011. Về mặt tín dụng, ngành thủy sản là ngành được hưởng ưu đãi nhất, trong khi đó, tỷ giá tăng lại là yếu tố giúp ngành này được hưởng lợi do doanh thu của các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu đến từ xuất khẩu
Chí Tín
Theo Baodautu