Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.HCM chỉ còn bảy ngày để thực hiện cho bằng được mục tiêu tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế dịch bệnh, đưa TP trở về trạng thái bình thường mới.
Chiều 15-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết bảy ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dự hội nghị.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ghi nhận những nỗ lực, đóng góp và hy sinh của toàn hệ thống chính trị, trong đó lớn nhất là sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân TP.
Việc chuyển F0 lên tuyến trên còn lúng túng
“Chúng ta chỉ còn bảy ngày nữa để thực hiện cho bằng được mục tiêu của đợt giãn cách này, đó là tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế hoàn toàn dịch bệnh tại TP, đưa TP trở về trạng thái bình thường mới” - ông Phong nói và cho biết Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định TP đang đi đúng hướng trong công tác phòng chống dịch.
Theo ông Phong, vừa qua công tác xét nghiệm vẫn còn vài nơi không tuân thủ giãn cách tại nơi lấy mẫu, trả mẫu PCR còn chậm, dẫn đến việc chậm chuyển số F0 đến nơi điều trị. Vẫn còn chậm thành lập tổ xét nghiệm tại các quận, huyện, làm ảnh hưởng đến công tác xét nghiệm, phát hiện F0, truy vết, khoanh vùng.
Có nơi triển khai tổ xét nghiệm COVID-19 còn chậm, giao hẳn cho trung tâm y tế. “Trong điều kiện hiện nay, trung tâm y tế không thể đảm đương được mà cần phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng” - ông Phong nói.
Công tác kiểm tra an toàn trong sản xuất còn có nơi thiếu quan tâm, không tái kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng tiêu chí phòng chống dịch.
Các khu cách ly, khu phong tỏa còn có hiện tượng người dân giao lưu, tiếp xúc, không đảm bảo giãn cách. Tại khu phong tỏa, ông Phong cho rằng nhiều ca nhiễm phát sinh là do lây nhiễm chéo, còn lại là do ủ bệnh. Quy trình xử lý F0 còn nhiều bất cập, thời gian điều chuyển F0 từ địa phương đến các bệnh viện điều trị còn chậm, lúng túng. Quận, huyện còn mất nhiều thời gian chờ giường bệnh, tìm bệnh viện có đủ năng lực tiếp nhận, gây mất thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.
“Tối hôm trước, khoảng 7-8 giờ, chủ tịch quận 7 gọi tôi giúp cho một ca F0 rất nguy cấp, em gọi BV nào cũng không tiếp nhận, tôi gọi cho anh Bỉnh giải quyết là xong” - ông Phong kể và thừa nhận quy trình thực hiện F0 còn rất lúng túng, bất cập.
“Ban chỉ đạo COVID-19 cấp TP vẫn còn lúng túng do công tác phòng chống dịch là những vấn đề mới, chưa có tiền lệ, các hướng dẫn phải điều chỉnh liên tục, gây khó khăn trong công tác triển khai thực tế tại cơ sở” - ông Phong nói nhưng cho rằng thời gian tới khâu vận hành sẽ suôn sẻ hơn.
Đề nghị các sở, ngành, quận, huyện phải tận dụng tối đa thời gian vàng, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định mục tiêu của việc xét nghiệm là làm sao tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, đưa đi điều trị và mở rộng nguồn xanh trên bản đồ COVID-19.
Các tổ công tác chỉ đạo xét nghiệm tại các quận, huyện phải được vận hành thông suốt trên cơ sở kết nối với trung tâm điều phối. Tổ này phải do phó chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ trưởng, có trách nhiệm điều hành lấy mẫu, nhập liệu, xét nghiệm, trả kết quả với phương châm “rõ, chắc nhưng nhanh”.
Cần hạn chế thấp nhất việc F0 tử vong
Về công tác cách ly và điều trị, ông Phong cho biết phần lớn số ca nhiễm mới từ khu cách ly và khu phong tỏa. “Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng không loại trừ khả năng lây chéo tại các khu cách ly và khu phong tỏa. Do đó trong bảy ngày tới cần đặt mục tiêu giảm dần số ca F0 tăng mới từ khu vực này” - ông Phong nhấn mạnh và đề nghị Sở TT&TT phối hợp với các đơn vị có liên quan phân tích tình hình phát sinh ca nhiễm mới, nhận định khả năng lây nhiễm chéo, giúp TP đề ra đối sách phù hợp...
Tại khu phong tỏa, ông đề nghị phát huy tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống COVID-19 tại cộng đồng. Kết hợp tuyên truyền, kiểm tra nhắc nhở, yêu cầu người dân phải ở nhà; không để tình trạng người dân trong khu phong tỏa vi phạm giãn cách; nghiên cứu lắp đặt camera tại nơi này và xử nghiêm vi phạm. Sắp tới lực lượng thanh niên xung phong nằm trong khu phong tỏa sẽ phối hợp với tổ COVID-19 cộng đồng để kiểm tra thường xuyên; không để tình trạng khu phong tỏa tổ chức hoạt động giao lưu sẽ dễ lây chéo.
“Cần tập trung điều trị cho các ca F0 nặng, hạn chế các ca tử vong” - ông nhấn mạnh và đề nghị Sở Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo TP việc giảm áp lực cho hệ thống điều trị, tập trung các nguồn lực điều trị cho ca F0 nặng, người có bệnh nền, trình Ban chỉ đạo TP, đồng thời rút ngắn thời gian chờ di chuyển các ca F0 có chuyển biến nặng từ quận, huyện lên tuyến trên bằng các giải pháp công nghệ, đường dây nóng.
Ông yêu cầu 100% quận, huyện thành lập tổ hỗ trợ, phản ứng nhanh, lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các phản ánh của người dân. Từ đó hỗ trợ tối đa người dân cùng vượt qua khó khăn, bất tiện trong thời gian giãn cách; không để xảy ra tình trạng phiền hà về thái độ giao tiếp, ứng xử với người dân…
Về việc tiêm vaccine đợt 5, Chủ tịch UBND TP khẳng định TP chỉ phân bổ số lượng, còn giao toàn quyền điều phối về cho quận, huyện, TP Thủ Đức.
Do đó, lãnh đạo quận, huyện nhanh hình thành tổ tiêm vaccine, vận hành cơ chế tương tự tổ công tác xét nghiệm nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch. Với tinh thần lực lượng tiêm vaccine và lực lượng phòng chống dịch là hai lực lượng khác nhau, phấn đấu trong 2-3 tuần tiêm 930.000 liều.
Ông Phong còn nói: Đặt mục tiêu đến ngày 23-7, các địa phương giải ngân 95% gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68.
“Tăng tốc, vượt chướng ngại vật” để chặn dịch
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, khẳng định TP cần tăng tốc, vượt chướng ngại vật trong bảy ngày còn lại thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, dịch đang lây lan rộng, diễn biến phức tạp ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam nên cần tập trung các giải pháp nhằm ngăn chặn, kiềm chế, kéo giảm, khống chế và từng bước kiểm soát dịch bệnh là một trách nhiệm rất cao, thử thách rất lớn.
Đánh giá về bảy ngày thực hiện Chỉ thị 16, ông Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã làm được nhiều việc, trong đó cả hệ thống chính trị ra quân với nỗ lực quyết tâm cao nhất, đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ đồng tình của người dân TP, sự ủng hộ của người dân cả nước hướng về TP là nguồn động viên lớn để TP thực hiện biện pháp đề ra.
TP cũng đã tập trung tương đối đồng bộ chiến lược chống dịch, vừa làm vừa khắc phục, chấn chỉnh những chệch choạc trước đó.
Nhiều cán bộ làm công việc cách ly và điều trị, làm ngày làm đêm không kể giờ giấc, có người đuối sức nhưng cũng cố gắng thực hiện cho bằng được những công việc được giao, rất đáng biểu dương.
Về điều tra dịch tễ, ông Nguyễn Văn Nên cho biết cơ bản ngăn chặn được nguồn lây chính, làm giảm sự phát tán của mầm bệnh trong cộng đồng của những ổ dịch lớn. Đến giờ này cơ bản đã khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm và đạt được kết quả tốt.
Khi giãn cách theo Chỉ thị 16, đời sống của người dân xuất hiện nhiều tình huống phải xử lý, nhiều vấn đề phát sinh… làm cho cán bộ xử lý lúng túng. Do vậy, cần hướng dẫn, tập huấn cho chiến sĩ, cán bộ ở hiện trường để xử lý những trường hợp phát sinh.
Trong thời gian tới, do mầm bệnh còn ở ngoài cộng đồng nên cần phải thần tốc tầm soát, xét nghiệm để phát hiện sớm, ngăn chặn, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, nâng cao năng lực điều trị, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Ông cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề an dân vì đời sống tinh thần của người dân nhiều nơi bị đảo lộn, gặp khó khăn cần sự tiếp sức của xã hội. Do vậy, cần phải có sự quan tâm đến đời sống, tinh thần của người dân, không để người dân bất an.
“Bảy ngày qua cũng vừa nhanh vừa chậm. Nhanh vì nhiều công việc làm trong một ngày, làm không kịp; chậm là sự chờ đợi của người dân mong muốn chúng ta làm cái gì đó có kết quả để người dân nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn, đó cũng là thử thách đặt ra cho TP” - ông Nên nói và cho rằng thời gian còn lại sẽ “tăng tốc và vượt chướng ngại vật” để đạt được kế hoạch đề ra. TÁ LÂM
Lê Thoa
Theo Pháp luật TP.HCM