Những năm trở lại đây, các vụ án dùng axít để hãm hại người khác ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nạn nhân của những vụ tạt axít có thể là bất cứ ai và xảy ra bất cứ nơi nào…
Những năm trở lại đây, các vụ án dùng axít để hãm hại người khác ngày càng gia tăng về số lượng lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội. Nạn nhân của những vụ tạt axít có thể là bất cứ ai và xảy ra bất cứ nơi nào…
Để hãm hại, trả thù nhau hoặc giải quyết khúc mắc, ân oán trong cuộc sống, với vài chục ngàn đồng, người ta đã có thể dùng axít hủy hoại cuộc đời của người khác, khiến nạn nhân của đòn thù oan nghiệt này sống trong đau khổ tột cùng…
Kẻ si tình tạt axit 'người trong mộng' bị công an bắt giữ. Ảnh T.G
Kinh hoàng những thảm án tạt axit để trả thù tình
Theo đó, trưa 3/11, chị H, cùng các em gái là Hồng Kim L, Hồng Kim Tr và 2 người em họ đón taxi ra sân bay để đi Phú Quốc chuẩn bị lễ cưới. Thấy taxi đến, 5 cô gái đứng trước ngôi nhà số 127 Nguyễn Văn Cừ, quận 5 (TP.HCM), nơi chị H thuê trọ, xách hành lý chuẩn bị lên xe thì bất ngờ Nguyễn Văn Dũng chạy xe máy đến hắt ca axít vào người mấy chị em. Hai bé Q, K đang ngồi chơi gần đó cũng bị axít văng trúng. Theo Thông tin ban đầu, Dũng thầm yêu chị H. Nguyên nhân Dũng dùng axít gây án là do ghen tuông khi nghe tin chị H chuẩn bị lấy chồng…
Ở một vụ án khác, ngày 3/8, gia đình anh Đ đang ăn cơm tối, có một vị khách lạ, bịt khẩu trang kín mặt, đầu đội mũ bảo hiểm, đeo kính đi vào. Tưởng là khách vào mua hàng, chị Nguyễn Thị Thanh H, vợ anh Đ, ra tiếp. Bất ngờ, đối tượng cầm can axít hắt thẳng vào mâm cơm gia đình anh Đ khiến chị H, anh Đ và mẹ chị H bị thương tích. Kẻ lạ mặt tiếp tục hắt axít về phía 2 con gái anh Đ khiến cả 5 người trong gia đình anh phải nhập viện để điều trị thương tích ở nhiều mức độ khác nhau. CATP Nam Định đã xác định đối tượng gây án là Đặng Văn Hải, từng làm thuê tại gia đình anh Đ và có tình cảm với cháu Quỳnh Tr, SN 2003 - con gái đầu của chủ nhà.
Trước đó không lâu, một vụ thuê tạt axit giết chết người tình vì dám "bắt cá hai tay" cũng đã làm rúng động dư luận. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Ng., 24 tuổi, trú tại thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), còn hung thủ là Đỗ Văn Trung (thường gọi là Khương, 34 tuổi, trú tại thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà), làm nghề vận chuyển vật liệu xây dựng, người tình cũ của chị Ng.. Sau khi bị bắt, Trung khai, do thấy người tình cũ cặp kè với người khác nên nổi cơn ghen, muốn trả thù cho hả cơn giận. Hắn đem chuyện này kể với Đỗ Văn Du (thường gọi là Ngọc, 22 tuổi, cùng trú tại thị trấn Hưng Nhân), một đối tượng nghiện ma túy, là "anh em xã hội" của Trung và được Ngọc đồng ý giúp "rửa hận".
Đỗ Văn Trung chủ động tìm mua một can axit đậm đặc và nhờ Du thuê một đối tượng ở tỉnh khác giúp sức. Khoảng 1h sáng ngày 25/3, khi chị Ng. và "người yêu mới" đang "tâm sự" tại nhà riêng thì Đỗ Văn Trung, Đỗ Văn Du, cùng đối tượng được thuê mang theo can axit 5 lít đến, tạt vào người đôi tình nhân này. Hậu quả đau lòng là chị Ng. đã tử vong ngay trên đường đi cấp cứu, còn anh P.H.S bị thương tích nặng, phải chuyển lên điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Ngày 3/10, TAND tỉnh Thái Bình cho biết đã tuyên phạt Trung án tù chung thân về tội Giết người. Do giúp sức, vén màn cho Trung thực hiện tội ác, Du bị phạt 20 năm tù.
Chị Hà bị axit văng trúng mắt, mặt và ngực. Ảnh T.G
Trưa 18/10/2012, một vụ tạt axít kinh hoàng chấn động TP.Mỹ Tho - Tiền Giang khiến chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên (19 tuổi) bị bỏng độ 2- 3, các cháu Huỳnh Tuấn Bảo (15 tháng tuổi, con chị Duyên), Huỳnh Tuấn Khanh (13 tháng tuổi) và Nguyễn Quang Thiện (9 tháng tuổi, cháu chị Duyên) bị thương. Kẻ thủ ác là Võ Thanh Phong (SN 1970, ngụ tỉnh Long An, từng chung sống như vợ chồng với chị Duyên). Do nhiều lần năn nỉ Duyên nối lại tình cảm không được, Phong đã ra tay tàn độc. Trước đó, luật sư Trần Hồng Lĩnh bị tạt axít ngay trước cửa văn phòng luật sư (quận Kiến An - TP. Hải Phòng) vào sáng 7/8/2012, khiến cơ thể bị phỏng nặng (25%), mắt bị tổn thương nghiêm trọng. Theo luật sư Lĩnh, ông bị trả thù vì đã phanh phui một vụ việc trước pháp luật.
Đặc biệt, vụ cả nhà anh Nguyễn Quốc Tuấn (quận Gò Vấp - TP.HCM) bị tạt axít vào ngày 8/1/2012 khiến dư luận phẫn nộ lên án nhưng đến bây giờ, kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá trước pháp luật do… bị bệnh tâm thần hoang tưởng. Hơn 1 năm qua, cả nhà anh Tuấn đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật, phải thường xuyên ra vào bệnh viện thăm khám, điều trị. Nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh đau lòng cho gia đình anh Tuấn chỉ vì Lâm Tiến Dũng (hàng xóm của anh) cho rằng Tuấn thường xuyên chửi bố của anh ta khiến ông này có ý định tự tử.
Cần tăng nặng hình phạt
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM), trên thực tế, nạn nhân bị tấn công bằng axít thường có tỉ lệ sống cao, không tử vong ngay như nạn nhân bị dùng dao đâm hay dùng súng bắn. Tuy nhiên, tạt axít có lẽ là hành vi tàn ác và vô nhân đạo nhất. Nạn nhân phải đối mặt với những hậu quả nặng nề về mặt thể xác lẫn tâm lý. Phần lớn họ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ghép da, chỉnh hình đau đớn và tốn kém nhưng không thể có được hình hài như trước. Vì vậy, họ thường rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng, lo lắng, e ngại tiếp xúc, sống thu mình…
Hành vi dùng axít tấn công người khác đáng bị lên án, trừng phạt nghiêm khắc nhưng cũng chưa thể khẳng định kẻ thủ ác phạm tội giết người. Bởi, để xác định tội danh cố ý gây thương tích hay giết người, công việc đầu tiên của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải xác định được động cơ, ý thức phạm tội, nồng độ axít mà các đối tượng dùng để gây án…
Việc dùng axít để giải quyết mâu thuẫn ngày càng trở nên phổ biến có thể nói là do xuất phát từ việc thiếu những quy định pháp lý thích hợp đối với loại tội phạm này. Theo nhiều luật sư, cơ quan chức năng cần thay đổi luật để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự, như luật ngăn ngừa tội phạm axít và kiểm soát chất axít, trong đó đưa ra những hình phạt nặng, mức bồi thường cao nhằm ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến axít.
Luật sư Vũ Văn Chuẩn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng một hành vi có thể truy tố thành 2 tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Giết người", phụ thuộc vào các yếu tố cấu thành tội phạm: hành vi, hậu quả, thương tật. Thông thường, hành vi tạt axít bị xử phạt về tội "Cố ý gây thương tích", chỉ chuyển sang tội danh "Giết người" khi có chủ mưu trước, có đồng phạm, có ý thức tước đoạt sinh mạng người khác, hậu quả lớn…
Theo luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp bị khởi tố ở tội danh "Cố ý gây thương tích", tỉ lệ thương tật của người bị hại trên 61% vẫn có thể nhận mức án 20 năm tù hoặc tù chung thân. Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), các vụ án liên quan đến axít ngày càng lan tràn và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Rõ ràng, hậu quả của nó là vô cùng lớn. "Nạn tạt axít vẫn xảy ra thường xuyên dù pháp luật khá nghiêm khắc trong chế tài nhưng phải chăng chưa đạt độ tương ứng? Sự quản lý lỏng lẻo các sản phẩm gây hậu quả tàn khốc này là nguyên nhân? Sự phát hiện kém của nhà chức trách khi các vụ án tạt axít xảy ra đã dung dưỡng mầm mống, ý thức người phạm tội thực hiện đến cùng hành vi này? Hay là tất cả nguyên nhân nêu trên?" - luật sư Công băn khoăn.
Luật sư Công cho rằng điều chỉnh hành vi tạt axít bằng các tội danh quy định trong Bộ Luật Hình sự vẫn còn giới hạn ở chính cơ quan xét xử. Các vụ án tạt axít hầu hết được định tội theo Điều 104 - "Tội cố ý gây thương tích". "Thực ra, tội danh này có khung hình phạt cũng rất nặng, cao nhất đến chung thân. Tuy nhiên, nếu hậu quả chết nhiều người không xảy ra thì mức hình phạt cao nhất này không được áp dụng. Trong nhiều trường hợp, dù không có chết người ngay thì thương tích trầm trọng của nạn nhân đã huỷ hoại cuộc đời của họ, làm liên lụy đến nhiều người thân. Họ sống không bằng chết. Mức hình phạt xử lý với người phạm tội dường như chưa tương xứng nên tính giáo dục chung cho xã hội còn hạn chế" - ông nói.
"Theo tôi, cần thiết phải xử lý thật nghiêm đối với hành vi tạt axít gây thương tích. Có thể áp dụng tội danh "Giết người" trong các vụ án loại này. Với độ đậm đặc của axít và vị trí tạt trên người nạn nhân (đầu, mặt...) thì việc họ còn sống là nhờ sự tiến bộ của khoa học chứ không phải từ ý thức người phạm tội muốn để cho nạn nhân sống. Tuy nhiên, với nguyên tắc xét xử theo hậu quả, nạn nhân không chết nên chỉ xét xử về tội "Cố ý gây thương tích". Điều này là không công bằng" - luật sư Công lo ngại
Theo ông Công, bên cạnh đó, để hạn chế loại tội phạm này thì cũng cần xem lại việc quản lý kinh doanh mặt hàng đặc biệt là axít. Cần thiết phải đưa axít vào loại hàng kinh doanh có điều kiện và có báo cáo về người mua.
Quang Liêm
theo GĐ&XH