Sự kiện hot
12 năm trước

Công an đã làm sai thẩm quyền?

Dantin - Lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống bị lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ với lý do “không có giấy chứng nhận kiểm dịch” khiến toàn bộ số hàng bị phân hủy.

Dantin - Lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống bị lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương tạm giữ với lý do “không có giấy chứng nhận kiểm dịch” khiến toàn bộ số hàng bị phân hủy. Các chủ hàng đã đến trụ sở phòng CSMT Công an tỉnh Hải Dương để “bắt đền”. Vụ việc đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Chủ hàng “bắt đền” và “kiện” công an

Chiều ngày 29/5/2013, hơn 10 người dân đại điện cho khoảng 40 chủ hàng ở TP HCM đã đến trụ sở phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Hải Dương “bắt đền” lô hàng bạch tuộc tươi sống hơn 2 tấn trị giá khoảng gần 1 tỷ đồng bị đơn vị này tạm giữ đã bị phân hủy bốc mùi nồng nặc.

Theo các chủ hàng cho biết, đêm 27/5, xe tải mang BKS 14C - 06538 chở lô hàng bạch tuộc của các chủ hàng lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, khi xe chạy qua địa phận tỉnh Hải Dương đã bị lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương yêu cầu dừng xe kiểm tra. Thấy lô hàng là bạch tuộc, lực lượng CSGT đã thông báo cho phòng Cảnh sát môi trường (CSMT) CA tỉnh Hải Dương.

Sau đó, đội 4 phòng CSMT đến đưa xe ô tô cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính của Công ty TNHH Trường Giang tại số 57 đường Ngô Quyền, TP Hải Dương với lý do lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tài xế xe chở lô hàng là anh Nguyễn Quang Hưng. Anh Hưng cho biết: Khi về đến bãi giữ xe, anh Hưng có yêu cầu lập biên bản tạm giữ phương tiện, hiện trạng hàng hóa, nhưng đã không được chấp nhận. Tại trụ sở phòng CSMT, cán bộ CA xử lý sự việc không lập biên bản tạm giữ phương tiện, không ghi hiện trạng hàng hóa nên anh Hưng đã không ký vào biên bản nội dung làm việc.

Đến khoảng 4 giờ ngày 28/5, anh Hưng được yêu cầu ký vào biên bản làm việc và nhận lại phương tiện cùng hàng hóa nhưng anh Hưng không đồng ý vì biết toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết, phân hủy do không được bảo quản theo đúng quy trình.

Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Hải Dương cho biết biên bản viết tay do trung tá Thịnh, Đội trưởng Đội 4 phòng CSMT lập hồi 1 giờ 30 ngày 28/5 khi số bạch tuộc còn sống với nội dung yêu cầu lái xe phải có nghĩa vụ bảo quản lô hàng.

Tuy nhiên, điều “lạ” trong vụ việc trên là số bạch tuộc đang bị tạm giữ trong khu vực do lực lượng công an thuê đơn vị khác trông coi, quản lý nhưng lực lượng CSMT lại bắt người dân bảo quản hàng hóa. Hậu quả là toàn bộ số hàng đã bị hỏng hoàn toàn.

Sẽ kiện ra tòa?

Liên quan đến việc CSMT Hải Dương giữ xe và hai tấn bạch tuộc nhưng không lập biên bản, không ra quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa, chiều 3/6, thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó phòng CSMT Hải Dương, cho biết: “Vụ việc đã được báo cáo lên Ban Giám đốc công an tỉnh. Trong chiều 3/6, BGĐ đã có buổi làm việc với lãnh đạo phòng về phương án xử lý trường hợp này”.

Về phương án cụ thể, ông Thái không tiết lộ và cho biết sẽ do trưởng phòng trực tiếp giải quyết, ông chỉ là người tham mưu.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT, cho biết chỉ nhận thông tin về vụ hai tấn bạch tuộc bị chặn giữ qua kênh báo chí. Cục đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương báo cáo.

Trao đổi với PV Đời Sống & Tiêu dùng, Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng Công an tỉnh Hải Dương đã làm sai thẩm quyền.

“Căn cứ điểm a khoản 2, điều 29, nghị định 33/2005 và điểm B, khoản 1, điều 3 thông tư 06/2010 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định chỉ kiểm dịch trong trường hợp thủy sản, sản phẩm thủy sản được đưa ra khỏi vùng có công bố dịch. Ở TP.HCM chưa công bố bạch tuộc có dịch nên cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương giữ xe để kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch hay không là sai”, LS Tú nói.

Ngoài ra, cũng theo LS Trương Anh Tú thì trong vụ việc trên, CSMT tỉnh Hải Dương cũng sai về thẩm quyền, vì việc kiểm dịch thuộc thẩm quyền của Cục Thú y (theo điểm B, khoản 6, điều 2 quyết định 19 ngày 28/1/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Vì không thuộc thẩm quyền mà vẫn thu giữ, lại không bảo quản, làm hư hỏng tài sản của dân nên CSMT Công an tỉnh Hải Dương phải đền bù thiệt hại.

“Một cái sai nữa của CSMT là khi giữ xe lại không lập biên bản tạm giữ tang vật. Chủ lô hàng có thể yêu cầu Công an tỉnh Hải Dương bồi thường theo giá trị của lô hàng, nếu không được bồi thường thì có thể khởi kiện ra tòa”, LS Trương Anh Tú cho biết thêm.

Anh Nguyễn Trung Hải (SN 1975), một chủ hàng trú tại huyện Cần Giờ (TP HCM) cho biết: Toàn bộ số bạch tuộc nói trên là do người dân huyện Cần Giờ khai thác từ tự nhiên. Từ 3 năm nay, một số người dân vẫn gom hàng, vận chuyển theo đường nói trên, mặc dù có bị kiểm tra nhưng chưa bao giờ bị bắt giữ. Theo chị Nguyễn Thị Thủy (đại diện các chủ hàng), bạch tuộc được nông dân ở Cần Giờ vất vả thu gom tự nhiên, tùy từng loại có giá bán từ 300.000 đến 1,3 triệu đồng/kg. Ước tính thiệt hại lô hàng hai tấn bạch tuộc này thấp nhất là 800 triệu đồng. “Xưa nay chúng tôi vận chuyển bạch tuộc đi tiêu thụ không có nơi nào đòi hỏi giấy kiểm dịch cả. Việc CSMT Hải Dương lấy lý do này để giữ xe, đồng thời không lập biên bản, không có quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa cũng như quyết định trả phương tiện, hàng hóa là trái quy định” ,chị Thủy khẳng định.

Anh Đặng Văn Hùng, một chủ hàng khác, bất bình: “Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương đã làm trái quy định gây thiệt hại cho người dân. Vì vậy chúng tôi kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương phải bồi thường cho chúng tôi theo quy định pháp luật”.

Các chủ hàng cho biết, trong trường hợp vụ việc không được làm sáng tỏ, không nhận được bồi thường chính đáng, họ sẽ đưa vụ việc ra tòa án.

Sơn Hoàng

Từ khóa: