Sự kiện hot
9 năm trước

Công bố Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014

Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cùng một số luật và nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã tham dự và báo cáo tại Hội nghị.

Đại diện cho Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã giới thiệu tóm tắt về Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản vừa được Quốc hội chính thức thông qua hồi cuối tháng 11. Những nội dung mới trong hai luật này sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng và nền kinh tế nói chung trong những năm tới.

Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, được Quốc hội khóa 13, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014 có 13 chương với 183 điều, tăng thêm 4 chương và 30 điều so với Luật Nhà ở năm 2005. Nội dung mới của luật này thể hiện ở các vấn đề: Phát triển nhà ở; phát triển nhà ở xã hội; phát triển và quản lý nhà ở công vụ, tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư; sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Những vấn đề được nhiều nhà báo quan tâm, đặt câu hỏi như: chính sách hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê ở các khu công nghiệp, giá thuê và thời hạn trả nhà ở công vụ, vấn đề người nước ngoài được nhiều quyền hơn trong việc sở hữu nhà ở sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS và tình hình xã hội,...Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã giải đáp đầy đủ, thuyết phục những câu hỏi của các nhà báo. Các doanh nghiệp hay các cá nhân đều có thể hưởng các chính sách ưu đãi và thực hiện các quy định phát triển nhà ở xã hội. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở nhưng cũng có các quy định để kiểm soát, quản lý, tránh việc hình thành các khu ngoại kiều. Vấn đề thuê nhà ở công vụ cũng được quy định rất rõ ràng trong Luật. Luật đã quy định theo hướng thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở công vụ cũng như có quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ, trường hợp khi nào hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ thì phải trả lại nhà công vụ. Nếu không trả lại nhà ở thì sẽ bị cưỡng chế, thu hồi. Theo Thứ trưởng, việc cưỡng chế, thu hồi nhà sẽ được thực hiện 3 tháng sau khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ. Quyết định này cần phải được thực hiện, không phụ thuộc vào việc đối tượng thuê nhà “có nhà hay chưa có nhà”.

Theo đó, có thể đánh giá, Luật Nhà ở 2014 sẽ khắc phục những tồn tại bất cập của Luật Nhà ở 2005, tạo cơ chế chính sách tốt hơn để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng tưởng kinh tế xã hội của đất nước, từng bước đảm bảo an sinh xã hội.


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam báo cáo về Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 cũng được Quốc hội khóa 13, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014 với 6 chương, 82 điều. Với nhiều nội dung mới được quy định, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 sẽ thay thế Luật Kinh doanh Bất động sản 2006 nhằm cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 của nước ta về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của thị trường BĐS thời gian qua nhằm đảm bảo cho thị trường BĐS phát triển theo đúng định hướng, ổn định và bền vững trong thời gian tới, góp phần tích cực, hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua nhà công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thu tiền chênh của nhiều tổ chức, cá nhân trong mua bán bất động sản qua sàn là những vấn đề được các nhà báo quan tâm.

Trả lời những thắc mắc xung quanh các nội dung mới của Luật Kinh doanh BĐS, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định: Phát triển nhà ở sẽ có trật tự hơn, chương trình phát triển nhà ở được thực hiện, triển khai tốt hơn, được kiểm soát tốt hơn sẽ khắc phục được những nhược điểm của thị trường BĐS. Việc thực hiện mua bán bất động sản qua sàn hay không qua sàn đều có thể vi phạm qua việc ghi hóa đơn không trùng với giá trị trong hợp đồng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng thu tiền “chênh”, trốn thuế trong các giao dịch BĐS, các cơ quan thuế, cơ quan tư pháp phải là các đơn vị phát hiện và xử lý để thị trường BĐS phát triển lành mạnh.

Vấn đề tạo nhiều quyền hơn cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia các giao dịch BĐS, cùng với các chính sách phù hợp trong Luật sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS trong những năm tới. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/7/ 2015. Để đảm bảo các luật này được thực thi ngay khi có hiệu lực, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung triển khai việc xây dựng các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) các Nghị định chi tiết về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư bị hư hỏng, xuống cấp; về xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Sau đó Bộ nghiên cứu, xây dựng để ban hành các thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền.

Cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước cũng công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân, Luật Sỹ quan quân đội, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân,... Ngày 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước sẽ tiếp tục công bố các Luật và các nghị quyết đã được Quốc hội khóa 13, Kỳ họp thứ 8 thông qua.

Phương Liên
theo Xây dựng

Từ khóa: